Tây Nguyên qua sưu tập ảnh “Miền mơ tưởng”

Tây Nguyên qua sưu tập ảnh “Miền mơ tưởng”
Đây là 34 ảnh tiêu biểu trong bộ sưu tập ảnh tư liệu Dân tộc học gồm 200 bức ảnh về cuộc sống ở Tây Nguyên, do Jean - Marie Duchange (người Pháp, sinh năm 1919) chụp vào những năm 1952 - 1955. Bộ ảnh được thực hiện bằng máy Rolleiflex và Samflex chụp phim âm bản khổ 6 x 6cm, là các loại máy ảnh tiên tiến thời bấy giờ. Ông Jean - Marie Duchange và gia đình đã bảo quản rất cẩn thận bộ sưu tập, nên đến nay các hình ảnh vẫn có chất lượng rất tốt.

Tây Nguyên và những đam mê

Trong 4 năm làm nhân viên y tế ở Tây nguyên, Jean - Marie Duchange lại đam mê nhiếp ảnh bởi tình yêu văn hoá của các dân tộc bản địa nơi đây. Sinh thời, khi ở tuổi 88 với ý định xuất bản tập sách ảnh về Tây Nguyên, ông viết Lời nói đầu tập sách như sau: “Tôi không phải là nhà dân tộc học, cũng không phải là nhiếp ảnh gia... nhưng tôi đã dấn thân. Tôi mang từ pháp sang các tài liệu, chậu rửa ảnh, tất cả các thiết bị cho công việc này và nhất là chiếc máy ảnh reflex 6x6 bi - objectif. Trong những năm đó, tôi đi nhiều nơi, băng xe jeep, đi bộ, dùng thuyền độc mộc, cưỡi voi... Tôi chụp vì tình yêu, sở thích của chính mình”. Sau đó, ông qua đời thì tập sách vẫn chưa ra mắt công chúng. Gần đây, để cứu vớt gia tài quý giá và thực hiện ý định, mong ước tốt đẹp của người thân đã quá cố, bà Évelyne Duchange và bà Nadège Bourgoin, con gái và cháu ngoại của nhà nhiếp ảnh, đã tặng một phần các phim âm bản cho Bảo tàng Quai Branly (Pháp) và một phần cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
 
Jean - Marie Duchange, tác giả bộ sưu tập ảnh “Miền mơ tưởng”.
Jean - Marie Duchange, tác giả bộ sưu tập ảnh “Miền mơ tưởng”.
Kho thóc của các gia đình Ba Na tại rìa làng Kon Tum.
Kho thóc của các gia đình Ba Na tại rìa làng Kon Tum.
Dỡ hàng xuống từ lưng voi.
Dỡ hàng xuống từ lưng voi.

Với mong muốn chia sẻ các giá trị nghệ thuật và khoa học của bộ ảnh với công chúng và để tri ân tác giả, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức trưng bày bộ sưu tập ảnh tại Bảo tàng với chủ đề “Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ XX” và tại tỉnh Kon Tum. Để tổ chức trưng bày, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ Viện Pháp (Institut Francais). Cuộc triển lãm được thể hiện bởi công nghệ hoàn toàn mới, 34 bức ảnh khổ lớn, hình vuông (tái hiện hình dáng của các phim âm bản gốc của bộ sưu tập), in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng hình ảnh từ 2 mặt.
Đầu hồi phía cửa chính của nhà dài Ê Đê, buôn Tak, Đắk Lắk.
Đầu hồi phía cửa chính của nhà dài Ê Đê, buôn Tak, Đắk Lắk.
Máng nước của người Ê Đê.
Máng nước của người Ê Đê.

Các tác phẩm tuyệt vời này được bài trí sống động trong không gian rộng mở tạo cảm giác thân thiện với người xem và sự gần gũi với đời sống dân dã thời bấy giờ. Mặt khác, nhằm giúp công chúng có cái nhìn toàn cảnh, những bức ảnh được xếp đặt thành một bức khảm, đồng thời được dựng thành một Video clip tạo điều kiện cho công chúng thưởng ngoạn bộ sưu tập dưới nhiều hình thức.

Có một miền mơ tưởng

Bộ ảnh cung cấp cho người xem những hình ảnh chân thực, sống động của quá khứ Tây Nguyên chưa xa với nhiều mảng chủ đề như chân dung của các cụ ông, cụ bà, bé trai, bé gái, thanh niên, thiếu nữ…; cách phục sức hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ XX mà nay hầu như không còn tồn tại. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông...), hoạt động nghi lễ (tang ma, đâm trâu, cầu mùa...) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, chòi rẫy, nhà mồ...) cũng được tác giả ghi hình một cách tỷ mỷ.
Nhà mồ người Ê Đê của buôn Ma Diap.
Nhà mồ người Ê Đê của buôn Ma Diap.
Đàn ông Chil ngậm tẩu vác dao, xà gạt, đeo gùi.
Đàn ông Chil ngậm tẩu vác dao, xà gạt, đeo gùi.
 
Làng M’ nông Gar với những ngôi nhà trệt rất dài.
Làng M’ nông Gar với những ngôi nhà trệt rất dài.

Như vậy, đúng như nguyện vọng của người kế thừa bộ ảnh, sau khi trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, bộ ảnh đã được giới thiệu tại Tây Nguyên, bắt đầu từ Kon Tum, sau đó đến Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông - nơi cội nguồn của các tác phẩm này. cùng với di sản ảnh của G.Condominas về dân tộc M’nông Gar ở Đắk Lắk, bộ sưu tập ảnh của Jean - Marie Duchange góp phần làm phong phú thêm di sản ảnh Tây Nguyên.
Theo Langvietonline.vn
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm