Tái hiện Lễ hội Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái

Tái hiện Lễ hội Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái
Từ xa xưa tất cả các bản làng của người Thái đều tổ chức lễ hội “Xăng Khan”, đây là ngày hội có ý nghĩa cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh tiêu biểu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An.

Lễ hội Xăng Khan có ý nghĩa báo đáp ơn tình của những người làm nghề mo đối với tổ tiên, với các bậc tiền nhân và cộng đồng, được tổ chức ba năm một lần vào những dịp thích hợp không quy định thời gian ngày tháng cụ thể. Chỉ diễn ra trong một ngày đêm và khi kết thúc hội Xăng Khan ai cũng thấy vui vẻ, khoẻ khoắn. Từ hội Xăng Khan, mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng càng thêm thắt chặt.
 

 

 
Các lễ vật được chuẩn bị cho Lễ Xăng Khan. Ảnh: Hoàng Tâm
Các lễ vật được chuẩn bị cho Lễ Xăng Khan. Ảnh: Hoàng Tâm 

Lễ vật trong Lễ Xăng Khan gồm có: Thủ lợn, rượu cần, cá nướng, trứng, rượu, gạo nếp, trầu cau, cây nêu trang trí nhiều màu sắc…

Cây nêu (cây xăng tang) được coi là một biểu trưng đặc biệt, một vật thờ chính và thiêng liêng nhất của lễ hội Xăng Khan.
 
Cây nêu được trang trí nhiều màu sắc được coi là vật linh thiêng nhất của lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm
Cây nêu được trang trí nhiều màu sắc được coi là vật linh thiêng nhất của lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm 

Nghi thức dựng cây nêu được tiến hành vào lúc nửa đêm. Câu nêu được làm từ một cây tre to dài khoảng 4m. Quanh cây đã được khoét sẵn những hàng lỗ, được đưa ra đặt nghiêng giữa nhà, gốc cây tựa xuống sàn nhà, ngọn cây hướng lễ phía trong bàn thờ.

Vợ chồng mo chủ đứng dưới gốc cây với hàm ý mo chủ phải gánh vác nhiều. Những người còn lại lấy các thứ: tang xòi, tang chò, chim, thú vật và hoa tươi đã chuẩn bị cắm vào các lỗ hổng của cây. Ngoài ra họ còn treo các dụng cụ sinh hoạt như sọt, chõ đựng xôi lên cây. Trên cùng của cây nêu, người ta đặt một chiếc cúp hụm đẹp được làm bằng vải thổ cẩm, nhuộm màu cánh kiến, tượng trưng cho sự che chở của các vị thần linh đối với chúng sinh. Các mo đứng vòng quanh giơ kiếm, đầu mũi có nến sáng, vừa soi, vừa cao giọng đọc bài cúng theo điệu nhuôn. Các xáo chơ cầm cúp hụm múa vòng quanh.

Tiếng cồng, chiêng thi nhau nổi lên như giục giã mọi người khẩn trương lên cho cây hoa kịp dựng lên đón các thần linh về dự lễ ngay từ giờ đầu của ngày mới. Khi cây nêu đã dựng, nến đã thắp lên, không ai được đụng vào nữa, vì đây là vật thiêng.
 
Trước khi vào lễ là một số màn biểu diễn mô tả lại cuộc sống thường ngày của bà con đồng bào Thái. Ảnh: Nam Sương
Trước khi vào lễ là một số màn biểu diễn mô tả lại cuộc sống thường ngày của bà con đồng bào Thái. Ảnh: Nam Sương 

Không giống như các lễ hội khác, trong Lễ hội Xăng Khan, phần lễ và phần hội không tách bạch rõ ràng mà có sự đan xen, hòa quyện vào nhau, phối hợp với nhau trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Ông mo chính báo với dân làng chuẩn bị khai hội “Xăng Khan” và xin kính mời tất cả các mo, các bậc già làng, trưởng bản, già trẻ gái trai hội tụ về đây để ăn mừng lễ “Xăng Khan” cầu mong sức khỏe, mùa màng bội thu, làm ăn tiến tới…
Thầy mo chủ bắt đầu làm lễ. Ảnh: Nam Sương
Thầy mo chủ bắt đầu làm lễ. Ảnh: Nam Sương 

Lễ hội được diễn ra với các nghi lễ linh thiêng rồi sau đó, mo chủ chia lộc cho dân làng đến tham dự hay còn gọi là phần hái hoa (lộc từ cây nêu). Chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống.
 
Thầy mo làm phép để thần linh nhập và thực hiện các nghi lễ của Lễ hội. Ảnh: Hoàng Tâm
Thầy mo làm phép để thần linh nhập và thực hiện các nghi lễ của Lễ hội.
Ảnh: Hoàng Tâm

Kết thúc Lễ hội, mọi người cùng nhau uống rượu cần, chia vui vì đây còn  là ngày vui của họ hàng, bản mường, là dịp để gái trai gặp gỡ, là ngày để dân bản trả ơn thầy mo đã chữa bệnh khỏi cho mình. Tất cả mọi người đều hòa chung lễ hội, múa hết mình với tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khua luống, tiếng dập ống tượng trưng cho sấm, mưa, cho sự phồn thực với mong ước một mùa màng bội thu.
 

 
Các con nuôi được thầy mo chữa khỏi bệnh mời rượu tạ ơn cha nuôi. Ảnh: Nam Sương
Các con nuôi được thầy mo chữa khỏi bệnh mời rượu tạ ơn cha nuôi.
Ảnh: Nam Sương 

Lễ hội Xăng Khan không những có nhiều nghi thức, nghi lễ mà còn có rất nhiều trò diễn, trò vui. Cứ sau mỗi nghi lễ là một trò diễn minh họa cho nội dung của nghi lễ đó, mô phỏng lại các hành vi của các thần linh, các ma có trong nghi lễ đó. Hết nghi lễ này, trò diễn này lại đến nghi lễ khác, trò diễn khác, cứ như thế cho đến lúc tan hội. Có thể nói lễ hội Xăng Khan là tổng hợp của nhiều nghi lễ và trò diễn.

Mỗi khi nghe bài cúng của nghi lễ đọc đến chỗ các thần linh, các ma về dự đã tới, chà kháy dóng lên một hồi cồng báo hiệu, lập tức thầy mo được phân công đóng vai vị thần, con ma làm động tác hóa thân (lên đồng) nhập vai bằng cách đưa quạt lên che mặt, nhún vai, rùng mình cười sằng sặc…rồi cất quạt để lộ vẻ khác thường, đứng dậy, rời mâm cúng bước ra giữa nhà mô phỏng các động tác, cử chỉ cười nói của vị thần linh…Khi nghe tiếng cồng của chà kháy dóng lên, lại quay về mâm cúng uống rượu, cười khoái trá, các mo bạn ngồi cạnh lấy quạt, quạt làm động tác tiễn thần linh, ma về trời và ông mo trở lại binh thường. Cứ thế, các ông mo thay nhau lần lượt ra đóng các vai ma, các thần linh của tất cả các nghi lễ.
 
Thầy mo tạ ơn thần linh và cầu xin cho bản Mường một cuộc sống âm no, hạnh phúc. Ảnh: Nam Sương
Thầy mo tạ ơn thần linh và cầu xin cho bản Mường một cuộc sống âm no, hạnh phúc. Ảnh: Nam Sương

Đầu tiên là trò diễn mo chủ đóng vai ma bố xuống kiểm tra công việc chuẩn bị cho lễ hội Xăng Khan của con cháu, gia đình. Mo chủ bước ra vừa đi vừa ngó nghiêng, quan sát các lễ vật, đồ thờ cúng…với thái độ mừng rỡ, thích thú từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác rồi cười, nói giống như người của thế giới khác hiện về làm cho mọi người vừa hồi hộp, vừa vui cười thích thú. Rồi mo đóng vai ma chống nhà làm động tác chống nhà, mo đóng vai thần gió, ra làm động tác gió bão, mo đóng vai quyét nhà làm động tác quyét dọn nhà cửa, mo đóng vai trải chiếu ra lấy chiếu trải và đặt ghế ngồi cho các quan ma, mo đóng vai ma  lo cơm nước làm đọng tác lấy gạo vò, ngâm…

Các mo ra diễn xuất đều có các động tác và lời nói gây cười thích thú cho mọi người .Đặc biệt là các mo đóng các vai ma quan trọng như ma bảo vệ, ma tạo mường môn xuống, các trò diễn càng phong phú, sôi động. Sau đó, là các điệu múa nhảy của các thần linh quanh cây hoa có các cô gái cầm cúp hụm theo hầu sau, trong tiếng nhạc đệm của cồng chiêng, boong bu náo nhiệt.
 
Thầy mo ban lộc từ cây nêu cho con nuôi. Ảnh: Nam Sương
Thầy mo ban lộc từ cây nêu cho con nuôi. Ảnh: Nam Sương 

Ngoài ra còn có những trò diễn là một mảng của cuộc sống ngoài đời được các mo thể hiện như những cảnh, những màn trên sân khấu. Đó là trò diễn cảnh dạy học gồm nhiều mo đóng vai. Các mo đều cởi trần ra làm các vai ma: ma thầy tay cầm kiếm, tay bưng đĩa khẳn hà, chỉ trỏ, điều khiển ma học trò nằm rạp đầu quanh ma thầy dạy để nghe thầy hỏi bài, rồi ma thầy phạt những ma học trò không thuộc bài… Trò diễn vừa phản ảnh được sự vất vả trong học nghề vừa có ý nghĩa giáo dục sự học cho lớp trẻ, được mọi người chăm chú theo dõi và trân trọng.
 
Thầy mo uống rượu cần cùng các con nuôi. Ảnh: Nam Sương
Thầy mo uống rượu cần cùng các con nuôi. Ảnh: Nam Sương 

Đó là những trò diễn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng và cuộc sống hàng ngày của đồng bào Thái. Chứa đựng trong đó tính nhân văn, tinh thần đoàn kết của cộng đồng.

 
Sau Lễ hội, đồng bào cùng du khách cùng tham gia sinh hoạt văn nghệ trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Ảnh: Hoàng Tâm
Sau Lễ hội, đồng bào cùng du khách cùng tham gia sinh hoạt văn nghệ trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Ảnh: Hoàng Tâm 

Ngoài các trò diễn, trong lễ Xăng Khan còn có nhiều hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian như múa, hát nhuôn, hát xuối, khắc luống, đánh cồng chiêng, gõ boong bu, thổi khèn …
Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm