Sẵn sàng cho Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Sẵn sàng cho Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Đêm khai mạc lễ hội cồng chiêng Lâm Đồng 2017. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN
Đêm khai mạc lễ hội cồng chiêng Lâm Đồng 2017. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được ngành Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Gia Lai chuẩn bị từ nhiều năm trước. Để duy trì, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã triển khai đến 100% các trường nội trú trên địa bàn có chương trình giảng dạy và hoạt động ngoại khóa về chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng.

Cồng chiêng không chỉ là hoạt động văn hóa, mà còn mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng phải được thực hiện từ thôn, làng. Để thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, tỉnh Gia Lai thường xuyên tổ chức các lễ hội, liên hoan cồng chiêng từ cơ sở đến cấp tỉnh, nhằm tuyển chọn nghệ nhân, đội cồng chiêng giỏi tham dự Festival lần này.

Cũng theo ông ông Phan Xuân Vũ, cồng chiêng đúng nghĩa phải được sống trong không gian của nó là ở làng, núi đồi, nhà Rông, nghi lễ tín ngưỡng… Để bảo tồn được cồng chiêng phải bảo tồn tất cả giá trị văn hóa lâu đời của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Festival cồng chiêng Tây Nguyên có chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên”, dự kiến sẽ có khoảng 25.000 - 30.000 khách tham quan, cùng hơn 300 khách mời là đại diện các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, đại diện UNESCO tại Việt Nam, đại sứ quán, tổng lãnh sự một số nước... Đặc biệt, hơn 1.200 nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên sẽ tham gia các hoạt động Festival cồng chiêng Tây Nguyên.

Lễ khai mạc Festival dự kiến diễn ra từ 9-11/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku.

Các hoạt động tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên lần này gồm: Lễ hội đường phố; Ngày văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống các dân tộc như “Lễ cúng cơn mưa đầu mùa của người Ê Đê”, “Lễ mừng lúa mới”, “Lễ mừng nhà Rông mới”; Trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; Trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; Diễn xướng sử thi, hát dân ca; Triển lãm ảnh về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Festival cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai cũng kết hợp tổ chức Lễ hội Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya từ ngày 10-13/11/2018, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Tại đây, du khách sẽ được hòa mình vào bạt ngàn sắc vàng của loài hoa dã quỳ - biểu tượng sức mạnh trường tồn của các dân tộc Tây Nguyên trải dài miên man trên các triền núi.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng tổ chức Lễ khánh thành Quốc môn tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ vào ngày 9/11; chương trình Cà phê đường phố từ ngày 8-11/11 diễn ra trên các tuyến phố chính thành phố Pleiku; chương trình ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực ba miền từ ngày 9-11/11 kết hợp vinh danh, giới thiệu đặc sản địa phương như phở khô, bò một nắng, mật ong rừng, tiêu Chư Sê, gạo Phú Thiện…

Festival cồng chiêng Tây Nguyên là hoạt động văn hóa quan trọng nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là dịp để quảng bá hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, phát triển; đồng thời góp phần tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh, khu vực và cả nước giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Hồng Điệp
TTXVN

Có thể bạn quan tâm