Sắc màu trang phục người Pà Thẻn

Sắc màu trang phục người Pà Thẻn

Trang phục Pà Thẻn được phân biệt theo giới tính, không phục sức theo địa vị giàu nghèo. Giữa các lớp tuổi trong cùng giới, trang phục hoàn toàn tương đồng, có khác chút ít về mô típ hoa văn. Các loại hình hoa văn đơn giản chủ yếu là hình chữ thập ngoặc và hình thoi. Người già và trẻ em thường mặc những bộ trang phục đơn giản hơn thanh niên. Đối với tang ma, người chết thường mặc bộ quần áo khi cưới để lại hoặc bộ trang phục cổ truyền để về thế giới bên kia tổ tiên còn nhận ra họ là con cháu Pà Thẻn. Con cái phục tang vẫn mặc y phục truyền thống, chít thêm khăn trắng trong lúc đưa tang. 

Bộ nữ phục của người Pà Thẻn nổi bật lên bởi màu đỏ tươi, chính vì thế mà các dân tộc xung quanh còn gọi họ là Mèo đỏ. Bộ nữ phục của người Pà Thẻn bao gồm: Khăn, áo, thắt lưng, váy, yếm. Nữ giới thường để tóc dài vấn khăn quanh đầu, hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua màu vàng, đỏ trông rất đẹp và lạ mắt. Khăn có hai loại là khăn quấn trong màu đen và khăn quấn ngoài màu đỏ. 

Sự độc đáo trong trang phục nữ của người Pà Thẻn được biểu hiện ở lối tạo dáng áo dài, cách dùng màu và lối mặc, tạo nên một phong cách riêng. Phụ nữ Pà Thẻn đội khăn quấn thành nhiều vòng trên đầu theo kiểu chữ nhất quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn hình chữ nhân giản đơn hơn nhưng cũng tạo thành mái nhô ra hai bên mang tai.

Áo có hai loại cơ bản là áo ngắn và áo dài. Áo ngắn xẻ ngực, cổ thấp, màu chàm, cổ làm liền với hai vạt trước. Áo này thường mặc với váy rộng nhiều nếp gấp, màu chàm. Áo dài là loại xẻ ngực, có thể gọi là áo lửng, cổ thấp liền hai vạt trước, khi mặc vạt phải đè chéo lên vạt trái, phía dưới của vạt phải nhọn xuống tạo thành vạt chính của thân trước. Ống tay và toàn bộ thân áo được trang trí với lối dùng màu nóng sặc sỡ. Áo này mặc với váy hở dệt thêu hoa văn đơn giản. Giữa eo thân áo được thắt dây lưng là loại được dệt thêu hoa văn. Màu sắc chủ yếu trên trang phục phụ nữ là đỏ, đen, trắng. Hoa văn chủ yếu được tạo ra bằng cách thêu hoặc dệt thủ công, được trang trí bởi nhiều mảng hoa văn cả trên áo và váy cũng như túi khoác, địu
Chàng trai Pà Thẻn trong lễ nhảy lửa.
Chàng trai Pà Thẻn trong lễ nhảy lửa.

Trên áo của người Pà Thẻn thường được trang trí hoa văn hình chữ A. Phần thân áo và thân váy trang trí hoa văn hình thoi. Các hoa văn hình thoi lớn nhỏ nhiều màu sắc được lồng ghép với nhau trong những khuôn hình đồng dạng tạo nên những mảng màu khép kín, ít khi thấy những hoa văn hình thoi đơn lập mà bao giờ cũng ghép thành dải ngang gồm nhiều hình đối đỉnh tạo thành mảng thống nhất. Hoa văn hình kỷ hà được đồng bào gọi là hoa văn hình núi, được bố trí nơi gấu áo, cửa tay áo hoặc giữa các mảng màu như hình thức phân tuyến.

Hoa văn hình tam giác được trang trí trên thân áo phụ nữ. Hoa văn này thường kết hợp với hoa văn hình vuông. Hoa văn hình vuông được trang trí bao bên ngoài các mô típ hoa văn khác nhỏ hơn và thường trang trí ở thân áo và thân váy. Ngoài ra, ở váy của phụ nữ Pà Thẻn còn có hoa văn hình lược, hình sao và mô típ hoa văn hình mặt trời có tông màu trắng xen kẽ với các hoa văn khác trên nền vải đỏ. 

Hoa văn hình cái cầu là sản phẩm của sự sáng tạo, mới xuất hiện và được bố trí ở thân váy với gam màu trắng. Hoa văn hình con tằm được trang trí trên váy áo, hoa văn hình mắt cua, hình chân gà trang trí ở cạp váy và phối cùng các gam màu khác nhau như vàng đỏ xanh để thêm sự nổi bật cho từng họa tiết…

Nhìn tổng thể hoa văn trên bộ trang phục được sử dụng hai phương pháp là ghép vải và thêu chỉ màu. Xen giữa hoa văn thêu tay là mảng hoa văn dệt với nhiều màu sắc sặc sỡ, mảng hoa văn chủ đạo bao giờ cũng là gam màu đỏ. Thêm vào đó họ còn dùng các mảng vải màu trắng để ghép xen kẽ làm cho các mảng màu thêm nổi bật. Mô típ hoa văn lồng ghép, không đơn lập tạo thành những bức tranh độc đáo. 

Nguồn nguyên liệu may mặc cũng như phương thức tạo dáng, tạo hoa văn trên trang phục của người Pà Thẻn có những nét khác biệt nhất định thể hiện những đặc tính riêng về mặt kỹ thuật cũng như quan điểm thẩm mỹ. Nghề dệt của người Pà Thẻn đã đang dần mai một, hiện tại chỉ có những nhà có cụ già còn giữ lại khung dệt vải, những người trung tuổi và cao tuổi mới mặc trang phục cổ truyền, thanh niên nam nữ chỉ còn mặc trang phục cổ truyền vào ngày cưới và khi lễ tết. Nguyên nhân của sự mai một nghề dệt của người Pà Thẻn là do sự ảnh hưởng giao lưu văn hóa với các dân tộc khác trong vùng, cũng như sự xâm nhập của các loại thổ cẩm Trung Quốc đã làm cho nghề dệt của họ không còn được chú ý như trước và đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm