Quy hoạch tổng thể phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình

Quy hoạch tổng thể phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình
Nhà bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Ảnh Quang Đán – TTXVN
Nhà bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình.
Ảnh Quang Đán – TTXVN

Theo đó,  cơ quan chuyên môn tỉnh Tuyên Quang khảo sát, đo vẽ và đánh giá hiện trạng, nghiên cứu các tư liệu cách mạng, hoàn thiện hồ sơ hệ thống di tích, hiện trạng quản lý di tích; xác định danh mục các đối tượng di tích bảo tồn, tu bổ, phục hồi và mức độ bảo tồn đối với từng hạng mục di tích; quy hoạch hạ tầng kỹ thuật bảo tồn và phát huy giá trị di tích và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Tỉnh xác định các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2018-2030, đó là các dự án có ý nghĩa bảo tồn di tích, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch gắn với việc bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế - xã hội địa trong khu vực quy hoạch…Quy mô quy hoạch khoảng hơn 27,4 ha, trong đó, hơn 15 ha khu vực bảo vệ di tích và hơn 12 ha khu vực hoạt động hỗ trợ phát huy giá trị di tích, kết hợp với du lịch sinh thái.

Quy hoạch tổng thể phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình ảnh 2
Hội trường, nơi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.
Ảnh Quang Đán – TTXVN

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình, tỉnh Tuyên Quang gồm 35 di tích, cụm di tích nằm trải trên địa bàn 4 xã: Kim Bình, Kiên Đài, Linh Phú, Vinh Quang (huyện Chiêm Hóa). Tại đây, từ ngày 11 đến 19/2/1951 đã diễn ra Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ II của Đảng - Đại hội đầu tiên của Đảng ta được tổ chức ở trong nước.
 
Nhà bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình. Ảnh Quang Đán – TTXVN
Nhà bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình.
Ảnh Quang Đán – TTXVN

Theo các tài liệu lịch sử, để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội, từ cuối năm 1950, hơn 300 cán bộ trường Nguyễn Ái Quốc, bộ đội và nhân dân các dân tộc đã tập trung xây dựng khu Đại hội, với phương châm chu đáo, an toàn, bí mật, theo đúng lời Bác Hồ căn dặn: "Trên trời nhìn xuống không thấy gì, dưới đất bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì", khu Đại hội II của Đảng gồm hơn 30 ngôi nhà: Nhà Hội trường họp Đại hội, nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà ở và làm việc của các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ...

 Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng và thiết kế kỹ thuật thi công phục hồi, bảo tồn, tôn tạo, di tích, với tổng diện tích khu di tích hơn 14 ha, gồm phục hồi, tôn tạo 16 di tích: Nhà Hội trường họp Đại hội (diện tích xây dựng 395 m2), nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Đại hội (diện tích xây dựng 30m2); Nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ. Dựng 12 bia ghi dấu sự kiện là các địa điểm: Nhà ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng; nhà ở của đại biểu dự Đại hội; nhà ở của đại biểu Quốc tế; nhà ở của cán bộ và nhân viên phục vụ; nhà ở của bộ đội bảo vệ; nhà ăn; trạm xá; trạm gác...

Hiện Khu di tích lịch Đại hội II của Đảng đang là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 
          Vũ Quang Đán 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm