Quảng bá các di sản văn hóa của Việt Nam ra thế giới

Quảng bá các di sản văn hóa của Việt Nam ra thế giới
Những tư liệu quý từ Mộc bản khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN
Những tư liệu quý từ Mộc bản khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Tại buổi gặp mặt, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cảm ơn sự hợp tác tích cực của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam trong việc duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác về lưu trữ giữa Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam với cơ quan lưu trữ các nước trên thế giới. Buổi gặp mặt có ý nghĩa thúc đẩy giao lưu, hợp tác về văn hóa; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, góp phần tăng cường truyền bá những di sản văn hóa của Việt Nam đến với đông đảo người dân trên toàn thế giới. 

Ông Đặng Thanh Tùng cho biết, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam hiện là thành viên của ba tổ chức quốc tế: Hội đồng Lưu trữ quốc tế (ICA), Chi nhánh khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng Lưu trữ quốc tế (SARBICA) và Hiệp hội Lưu trữ các nước sử dụng tiếng Pháp (AIAF). Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đang lưu giữ và quản lý hơn 30km giá tài liệu, trong đó có rất nhiều sử liệu quý hiếm như: Mộc bản triều Nguyễn và Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới... 

Cục trưởng Đặng Thanh Tùng cũng cho hay, một thành công nổi bật trong công tác lưu trữ của Việt Nam là trong năm 2017, Trung tâm Lưu giữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) đã biên soạn và xuất bản thành công hai bộ tài liệu: "Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1945-1946" và "Di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu của Việt Nam". 

Trong buổi gặp mặt, đại diện các cơ quan Ngoại giao ở Việt Nam đã được tham quan khu trưng bày, nghe giới thiệu về các bộ tư liệu: "Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, 1945-1946"; "Mộc bản triều Nguyễn" và "Châu bản triều Nguyễn". 

"Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1945-1946" được công nhận là Bảo vật quốc gia với bộ tài liệu gồm 117 sắc lệnh được scan trên giấy ảnh, công bố dưới dạng toàn văn và phần phụ lục minh họa một số tài liệu, hình ảnh về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biên bản họp Hội đồng Chính phủ... trong giai đoạn cuối năm 1945 đầu năm 1946. Cuốn sách được biên soạn theo trình tự thời gian ra đời của các sắc lệnh, là những tài liệu lưu trữ quý hiếm đã và đang được giữ gìn. 

Cuốn tài liệu "Di sản tư liệu thế giới và tài liệu lưu trữ quốc gia tiêu biểu của Việt Nam" giới thiệu 55 tài liệu lưu trữ được chọn lọc trong nhiều phông, khối, đặc biệt trong đó có hai Di sản tư liệu: "Mộc bản triều Nguyễn" và "Châu bản triều Nguyễn". 

"Mộc bản triều Nguyễn" là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam, gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIXvà đầu thế kỷ XX. Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử..., triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản. 

"Châu bản triều Nguyễn" là các bản tấu, sớ, sắc, dụ, chiếu, chỉ và các tờ truyền, sai, phó, khiển, di (loại công văn của các cơ quan, tổ chức nhà nước) thuộc kho lưu trữ của triều đình nhà Nguyễn, được vua ngự lãm và ngự phê. 

"Châu bản triều Nguyễn" - loại văn bản hành chính được hình thành trong quá trình hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến thời Nguyễn từ trung ương đến địa phương. Nội dung văn bản phản ánh một cách toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao của xã hội Việt Nam trong thời gian tại vị của 13 đời vua Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945). 
Đỗ Bình
TTXVN

Có thể bạn quan tâm