Phụ nữ Hà Nhì và vai trò gìn giữ trang phục truyền thống

Phụ nữ Hà Nhì và vai trò gìn giữ trang phục truyền thống
Trang phục và những thuộc tính xã hội

Kỹ thuật sản xuất trang phục của người Hà Nhì thủ công và gắn với hoạt động của từng gia đình trong xã hội. Nó phản ánh nền kinh tế tự túc. Trong bối cảnh đó, trang phục Hà Nhì phản ánh rõ nét sự phân công lao động theo giới trong xã hội – Vai trò quan trọng của phụ nữ Hà Nhì trong việc giải quyết nhu cầu mặc của gia đình, của cộng đồng.

Trang phục Hà Nhì mang tính “xã hội” cao, vì nó không chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất thong thường mà còn biểu hiện tư tưởng xã hội của người Hà Nhì. Trong các ngày lễ, tết, cưới xin,…Trang phục không đơn điệu mà mang sắc thái rõ rệt, phản ánh những nhận thức về thẩm mĩ dân gian, tín ngưỡng, đạo đức, ước mơ, khát vọng,…của con người.

Trang phục Hà Nhì còn phản ánh, ghi dấu ấn một trình độ cao về thẩm mĩ dân gian. Nghệ thuật tạo hình trong trang phục, nhất là trang phục phụ nữ là nơi tập trung quan niệm thẩm mĩ, sự hài hòa và là nơi gìn giữ, phản ánh đặc trưng tộc người. Màu sắc và nét hoa văn trên trang phục truyền thống được xử lý tinh tế, hài hòa, không tham mà luôn có sự cân nhắc theo quan niệm thẩm mĩ và tâm lý tộc người. “Đó là sự hài hòa về phong cách tạo hình trong bộ trang phục truyền thống tinh tế, khéo léo và sử dụng hoa văn vừa phải của người phụ nữ Hà Nhì”.
Sắc phục phụ nữ Hà Nhì.
Sắc phục phụ nữ Hà Nhì.

Trong quá trình di cư và cư trú xen kẽ với các thành phần dân tộc khác, người Hà Nhì một mặt vẫn giữ được bản sắc văn hóa của tộc người mình, mặt khác lại vừa tiếp thu những yếu tố văn hóa của tộc người khác, trong đó có trang phục (như kỹ thuật dệt may, màu sắc, nguyên liệu,…). Đó chính là quá trình tạo nên phong cách, nét riêng độc đáo của trang phục Hà Nhì ở Sín Thầu – Mường Nhé – Điện Biên.

Cùng với sự biến đổi về mọi mặt của đời sống xã hội, trang phục truyền thống của người Hà Nhì ở Mường Nhé – Điện Biên cũng có nhiều biến đổi theo.Nguy cơ mai một văn hóa truyền thống kéo theo sự mất đi hàng loạt các phong tục tập, quán truyền thống tốt đẹp. Cho nên trang phục truyền thống cần được bảo lưu, gìn giữ.

Phụ nữ Hà Nhì chung tay bảo tồn trang phục truyền thống

Thêu thùa, khâu vá là việc thường ngày của phụ nữ, họ tranh thủ mọi thời gian rỗi để thêu, có khi khâu một cái khăn, cái áo, cái quần phải mất nửa năm mới khâu xong. Công việc này do nữ giới đảm nhiệm không có lớp đào tạo mà chỉ học hỏi lẫn nhau hoạc từ người mẹ dạy cho con cái, chị dạy cho em gái.
 
Phụ nữ Hà Nhì chung tay giữ gìn trang phục.
Phụ nữ Hà Nhì chung tay giữ gìn trang phục.

Các em nhỏ từ 10 đến 11 tuổi đã tập khâu vá và thêu, nếu cái nào không biết thì hỏi mẹ, hỏi chị. Thêu là công việc đòi hỏi sự khéo léo, luyện tập và mất nhiều thời gian mới biết được, cách khâu và đường đi nước bước của nó, phải có trí nhớ tốt mới tập khâu. Vì từ bé các bé gái đã tập khâu nên hầu như ai cũng biết khâu, cho đến khi trưởng thành các cô gái đó là những cô gái có bàn tay vàng, không chỉ tự sắm đồ cho mình mà còn cho gia đình và người thân.
Các mẫu hoa văn được phụ nữ Hà Nhì truyền lại.
Các mẫu hoa văn được phụ nữ Hà Nhì truyền lại.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm