Phát huy vai trò của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong bảo tồn văn hóa

Phát huy vai trò của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trong bảo tồn văn hóa
Tại không gian Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thường xuyên tái hiện các lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc. Ảnh: Hoàng Tâm
Tại không gian Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thường xuyên tái hiện các lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc. Ảnh: Hoàng Tâm
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Công tác dân tộc luôn là vấn đề chiến lược, nhận được sự quan tâm lâu dài của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Hội đồng Dân tộc đã bàn thảo, tham gia đóng góp ý kiến vào việc bảo tồn văn hóa các dân tộc; vấn đề hoạch định chính sách, sử dụng ngân sách trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận sự cố gắng của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong nhiều năm để thành lập, xây dựng nên Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Mô hình này thể hiện điển hình, rõ nét văn hóa cộng đồng làng xã của Việt Nam với đặc trưng quần cư, mang đậm truyền thống đùm bọc, gắn bó, quy tụ, đoàn kết của người Việt. Những đặc trưng làng xã từ việc tổ chức cuộc sống, tổ chức sản xuất, kiểm kê, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã được bảo đảm, thể hiện rõ trong quá trình thành lập, phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là nơi văn minh các dân tộc được giao thoa, trao đổi; cùng nhau giúp đỡ, vun đắp, gìn giữ văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Đánh giá phương thức hoạt động của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện đang đi đúng hướng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, những bước đi, kinh nghiệm, cách làm đã đạt được hiệu quả cần tiếp tục phát huy. Ủng hộ việc áp dụng thu phí tham quan, phí dịch vụ… theo đúng Luật Du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc đầu tư phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch mà còn cần các địa phương phát huy nội lực, chung tay thể hiện trách nhiệm chính trị, niềm tự hào. Kết cấu hạ tầng, dịch vụ du lịch tại đây cần sớm được đầu tư đúng cách, đúng mức, đặc biệt là các dịch vụ như vệ sinh, chiếu sáng, ẩm thực, lưu trú nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch, tăng cường thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng đoàn công tác đã tham quan thực địa và trao đổi tại Khu các làng dân tộc. Đoàn dừng chân tại các làng dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu trải nghiệm vùng văn hóa Tây Nguyên; giao lưu với các nghệ nhân đến từ huyện Trần Dề, tỉnh Sóc Trăng tại không gian làng dân tộc Khmer, tham dự lễ Sen Dolta; thưởng thức các tiết mục hòa tấu nhạc cụ, tham gia điệu múa xòe hoa, nhảy sạp cùng đồng bào dân tộc Thái… Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ, có tổng diện tích 1.544 ha với 7 khu chức năng; đón tiếp trên 500.000 lượt khách trong năm 2016. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đang phấn đấu trở thành Khu Du lịch Quốc gia vào năm 2020 theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; mục tiêu đón 0,8 triệu lượt khách vào năm 2020, 2 triệu lượt khách vào năm 2030.
Hiền Hạnh

Có thể bạn quan tâm