Nói không với linh vật ngoại lai (Bài 2)

Nói không với linh vật ngoại lai (Bài 2)
 Bài 2: Đòn bẩy đưa linh vật thuần Việt đến gần hơn với cộng đồng

Tạo sự đồng thuận trong xã hội 

Sau khi văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra đời, các hoạt động tuyên truyền về việc không sử dụng biểu tượng, linh vật ngoại lai đã được tổ chức với tần xuất dày đặc. 

Ngay từ cuối năm 2014, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam liên tục tổ chức triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đắc Lắk, Thái Nguyên... Tháng 10/2015, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có triển lãm chuyên đề "Linh vật Việt Nam", trong đó trưng bày tượng các linh vật rồng, nghê, sư tử... Cuối tháng 11/2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Nhóm Đình làng Việt tổ chức Triển lãm linh vật Việt, tại Bảo tàng Hà Nội. Đặc biệt, năm 2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng tổ chức cuộc thi mẫu linh vật. Tháng 11/2016, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức cuộc thi và triển lãm "Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước các trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng" thu hút đông đảo nhà điêu khắc tham gia. 
 
Sư tử đá (thế kỷ 11) ở chùa Bà Tâm (Hà Nội). Ảnh:vietnam.vnanet.vn
Sư tử đá (thế kỷ 11) ở chùa Bà Tâm (Hà Nội). Ảnh:vietnam.vnanet.vn 

Các cuộc thi, triển lãm đã góp phần tuyên truyền về sản phẩm, biểu tượng, linh vật thuần Việt; tìm ra giải pháp thay thế các tượng linh vật, tượng ngoại lai ở nơi công sở, công cộng, tại các công viên, đường phố; kích thích sự sáng tạo của các nhà điêu khắc gắn với môi trường thẩm mỹ tại các đô thị. Những hoạt động này đã được công chúng đón nhận, tạo hiệu quả tuyên truyền về văn hóa truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Ngoài những hoạt động trên, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã tiến hành quảng bá văn hóa, biểu tượng, sản phẩm, linh vật truyền thống của Việt Nam như: Công ty điêu khắc Liên Vũ và Hội quán Di sản, Gỗ Giang, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội, em Nguyễn Trí Quang… và nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân đã tiến hành số hóa, phục chế một số mẫu tượng linh vật truyền thống, 

Ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Đà Nẵng… những nơi có nhiều làng nghề truyền thống, nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử… đồ thờ theo phong cách nghệ thuật truyền thống. Các sản phẩm đã, đang được khách hàng đón nhận. 

Ghi nhận của bà Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, sau 3 năm thực hiện, đến nay công văn số 2662 đã được sự đồng thuận cao trong xã hội, sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa, ý thức cộng đồng trong việc sử dụng sản phẩm văn hóa được đẩy mạnh. Nhiều di tích, công sở, nhà dân đã tự động tự di dời linh vật, biểu tượng không phù hợp. Việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cung tiến các biểu tượng, linh vật đã được mọi người nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học. Những vấn đề liên quan tới kiến thức về lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di săn văn hóa dân tộc trong giai đoạn giao lưu và hội nhập quốc tế đã được toàn xã hội quan tâm. 

Để linh vật thuần Việt thực sự đến với cộng đồng 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh Nguyễn Cao Tấn chia sẻ: Tỉnh Ninh Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng các biểu tượng, sản phẩm, linh vật có yếu tố ngoại lại trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, các nơi thờ tự, đặc biệt là tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Song song với việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước, Ninh Bình đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung công văn 2662 để linh vật Việt trở nên gần gũi hơn với người dân. Kết quả là, sau 3 năm, Ninh Bình đã đưa 10 sư tử đá ngoại lai ra khỏi di tích Cố đô Hoa Lư, chùa Nhất Trụ huyện Hoa Lư và đền Đức thánh Nguyễn huyện Gia Viễn. Sau khi các linh vật được di dời  khỏi di tích lớn,  tại các di tích nhỏ và một số hộ gia đình cũng từng bước đưa ra khỏi di tích, nơi thờ tự, khu vực trưng bày. Đặc biệt, trào lưu sử dụng sư tử đá để trang trí nội, ngoại thất ở các gia đình, trụ sở công ty, nơi làm việc… gần như không còn. 
 
Hình ảnh cửa Hiển Nhơn trong Hoàng Thành Huế với 2 con nghê đá chầu trước cửa. Ảnh:vietnam.vnanet.vn
Hình ảnh cửa Hiển Nhơn trong Hoàng Thành Huế với 2 con nghê đá chầu trước cửa. Ảnh:vietnam.vnanet.vn 

Ở làng đá Ninh Vân, dễ dàng nhận thấy hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, lượng khách hàng đặt mua linh vật loại này rất hiếm hoi, thay vào đó, một số linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ. Đây chính là những chuyển biến căn bản trong tư duy của người dân về việc sử dụng linh vật, cho thấy hiệu quả của truyền thông và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp để thay đổi thói quen, định hướng thẩm mỹ cho nhân dân hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Sau nhiều năm nghiên cứu về linh vật Việt, Tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế chỉ ra rằng: Linh vật không chỉ mang tính biểu tượng linh thiêng mà nó còn gắn kết và chia sẻ của cộng đồng. Việc xem nhẹ linh vật trong đời sống văn hóa Việt Nam đã từng xảy ra trong một thời gian dài dẫn đến sự khủng hoảng nhận diện văn hóa của người Việt hiện nay. Để linh vật thực sự đến với cộng đồng, nên có nhiều hơn nữa những sản phẩm thiết kế đồ gia dụng, hàng lưu niệm mang hình hài linh vật; đặc biệt, không thể thiếu được những công trình điêu khắc công cộng sử dụng hình tượng linh vật Việt Nam.               

Một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất linh vật thuần Việt tại Ninh Bình là Công ty Vạn Bảo Ngọc. Đây là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nghề, và tích cực hưởng ứng công văn 2662. Nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc - Giám đốc Công ty đã tìm tòi khai thác các giá trị mỹ thuật truyền thống của Ninh Bình để tạo ra linh vật, sản phẩm như nghê, rồng, tiền đồng… phục vụ khách du lịch, đáp ứng nhu cầu sản phẩm quà tặng của địa phương... 

Ông Phạm Bá Ngọc cho biết: Những năm gần đây, Công ty Vạn Bảo Ngọc đã tập trung đào tạo lao động chuyên sâu; tập hợp tài liệu liên quan đến di sản thuần Việt; đầu tư thêm máy móc, thiết bị để phát triển hoạt động sản xuất; tiến hành quảng bá theo nhiều hình thức... Riêng trong việc quảng bá, để có thêm nhiều người biết đến linh vật thuần Việt, Công ty có sáng kiến tặng linh vật, biểu tượng thuần Việt cho khách khi đến đặt hàng hay tham gia các sự kiện công ty tổ chức. Trong tháng 12 tới, một triển lãm gồm gần trăm mẫu linh vật Việt sẽ diễn ra tại Hà Nội... 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã trực tiếp  kiểm tra ở nhiều cơ sở thừa tự tại các tỉnh phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra. Tại những nơi này, tượng sư tử đá, tỳ hưu ngoại lai đã dần được người dân loại bỏ ra khỏi không gian trưng bày, thay vào đó là tượng nghê, linh vật truyền thống. Tuy nhiên theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, vẫn còn không ít tượng sư tử đá, tỳ hưu được bày ở công sở, trong không gian công cộng. 

Để linh vật thuần Việt thực được cộng đồng biết đến và yêu mến, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho rằng: Cùng với tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không sử dụng các sản phẩm, biểu tượng, linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; các cơ quan chức năng  cần nhanh chóng xuất bản ấn phẩm giới thiệu về nghệ thuật điêu khắc, trang trí, biểu tượng truyền thống của Việt Nam dưới dạng sách cẩm nang hình ảnh, bản vẽ. Mặt khác, cần thường xuyên tổ chức tập huấn tại các làng nghề thủ công, cho nghệ nhân, cán bộ quản lý văn hóa ở các cấp với nội dung về văn hóa, mỹ thuât truyền thống. Đối với các di tích đình, đền, chùa, các cơ sở thờ tự, công tác tuyên truyền cần được thực hiện lồng ghép tại các buổi lễ, sự kiện văn hóa tâm linh... . 
Mỹ Bình 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm