Nhạc lễ Bến Tre

Nhạc lễ Bến Tre
Trong quá trình lưu truyền, ông cha ta rất ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Nhạc lễ, do đó, tuy thông  qua nhiều phương thức và hình thức lưu truyền nhưng nhìn chung tính dị bản là không đáng kể.
 
 Cùng với quá trình lưu truyền nghệ thuật văn hóa dân gian, Nhạc lễ cũng phát triển sâu rộng trên 3 dải  cù lao Bến Tre.

Trong giới Nhạc lễ ở Bến Tre lưu truyền 2 câu thơ:

“Bến Tre có bốn đồng đen

 Độ  cò, Hậu trống, Sa kèn, mõ Công”

“Bốn nhạc công đầy tài nghệ này được giới cổ nhạc trong tỉnh tôn làm bậc thầy. Từ Nhạc lễ  chính thống đẻ ra Nhạc lễ tài tử  và từ Nhạc lễ tài tử sinh ra nhạc (cổ) tài tử” ( Địa chí Bến Tre, NXB KHXH, Hà Nội, năm 2001, trang 755)
 
Nhạc lễ ở Bến Tre.
Nhạc lễ ở Bến Tre.

Phần lớn các nghệ nhân Nhạc lễ được truyền dạy trong gia đình qua “cầm tay, chỉ việc”, từ thực hành xướng âm kết hợp sử dụng nhạc cụ phù hợp với khả năng cảm nhận của “ người học việc”,  cùng với việc kết hợp văn bản “thô” từ sự “chép tay” của nghệ nhân “ bậc thầy”. Nhờ đó, việc lưu truyền giữa các địa phương và sự tiếp nhận của người học nhạc đều mang tính tương đồng.

Bên cạnh việc phục vụ các lệ kỳ yên tại các cơ sở tín ngưỡng dân gian, có thể thấy, đa phần các đội Nhạc lễ  ở Bến Tre, ít nhiều đều gắn với việc phục vụ nghi lễ “Đại đàn” của đạo Cao Đài nói chung, đạo Cao Đài Ban Chỉnh nói riêng, đây là yếu tố quan trọng không chỉ góp phần  giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội, giữ gìn bản sắc mà còn góp phần tạo sự thăng hoa của loại hình nghệ thuật diễn tấu dân gian đặc sắc này.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, qua hoạt động phục vụ tang lễ, Nhạc lễ tỉnh Bến Tre đã có biểu hiện “ đánh mất bản sắc”. Một mặt, do khách điếu viếng đồng nhất văn hóa tang lễ với văn hóa hôn lễ và các sinh hoạt văn hóa khác, mặt khác, do nhu cầu thu nhập và yêu cầu của tang chủ, nên trong tang lễ có biểu hiện “tân nhạc hóa” trong thời gian phục vụ tang lễ của các ban nhạc.

Để Nhạc lễ Nam Bộ nói chung, Nhạc lễ tỉnh Bên Tre nói riêng phát triển vừa đúng bài bản, vừa “không đánh mất bản sắc”, đòi hỏi phải được tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp và được chú trọng thường xuyên.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Nhạc lễ Nam Bộ là sự giao thoa giữa Nhã nhạc Cung đình Huế, theo chân những người khai phá đất phương Nam vào vùng đất mới, dần thích nghi với  văn hóa bản địa, hình thành nên một thể loại âm nhạc đặc trưng Nam Bộ.

Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, âm nhạc cổ truyền nói chung ở Bến Tre hình thành và phát triển. Trong đó, Nhạc lễ được xem là cái nền của âm nhạc truyền thống.

Nhạc lễ Việt Nam là sự kết hợp của 3 dòng nhạc: Nhạc Việt, nhạc Hoa và nhạc Chăm - pa. Song, dòng nhạc Chăm-pa chiếm vị trí quan trọng  trong Nhạc lễ Việt Nam bởi tính ai oán, sầu thảm của nó.

Nhạc cụ đầy đủ của 1 ban Nhạc lễ gồm:

- Bạt - đẩu - đồng la - kèn thau (kim)

- Mõ sừng trâu -  cặp sanh - trống chiến - trống cơm, trống cái (mộc)

- Kèn trung - kèn tiểu mộc (thủy)

- Đàn cò -  đàn gáo (hỏa)

- Và Cái bồng (thổ)

Có nhiều cách phân chia nhạc cụ của ban Nhạc lễ: phân chia theo bát âm, phân chia theo ngũ hành, phân chia theo phe và phân chia theo bộ…

1. Phân chia theo bát âm gồm tám âm:

- Âm kim, còn gọi là âm kim loại.

- Âm thạch, còn gọi là âm đá

- Âm ty hay âm lụa.

- Âm trúc hay âm tre

- Âm mộc hay âm gỗ

- Âm cách, còn gọi là âm da

- Âm bào, còn gọi là âm sanh

- Và âm thổ còn gọi là âm đất

2.Phân chia theo ngũ hành

Gồm: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

- Âm kim gồm: Bạt - đẩu - đồng la -  kèn thau

- Âm mộc gồm: Mõ sừng trâu -  cặp sanh - trống chiến - trống cơm, trống cái

- Âm thủy gồm: Kèn trung - kèn tiểu mộc

- Âm hỏa gồm: Đàn cò -  đàn gáo

- Âm thổ gồm: Cái bồng

3.Phân chia theo phe

Gồm phe văn và  phe võ
Phe văn gồm: đàn cò, đàn gáo, cặp sanh, mõ sừng trâu, trống cái

Phe võ gồm: trống nhạc, kèn trung, kèn mộc, bạt, đẩu, đồng la, trống bồng, trống cơm.

4. Phân chia theo bộ

Gồm bộ gõ, bộ hơi và bộ kéo

Bộ gõ gồm các loại nhạc cụ: đồng la, mõ sừng trâu, cặp sanh, trống nhạc, trống bồng, trống cơm, bạc, đẩu và trống cái.

Bộ hơi gồm các loại nhạc cụ: kèn trung mộc, kèn tiểu mộc, kèn thau.

Bộ kéo gồm các loại nhạc cụ: đàn cò, đàn gáo. 

Nhạc công trong một ban nhạc đủ nhất gồm 7 nhạc công và được phân công như sau:

1- nhạc công đánh trống

3- nhạc công chơi đàn

2- nhạc công đánh bạc

01- nhạc công đánh mõ.

Hiện nay, phần lớn các ban Nhạc lễ chỉ có 5 nhạc công nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các loại nhạc cụ khi thể hiện một bản Nhạc lễ.

Ngày xưa Nhạc lễ thường sử dụng trong các nghi thức quan - hôn - tang - tế. Do đó, bất cứ lễ nghi nào cũng cần phải có nhạc, không có nhạc sẽ không thành lễ.

 Ngày nay, Nhạc lễ chỉ còn xuất hiện trong những dịp cúng bái, tế lễ ở đình, miễu, chùa  chiền, thánh thất và trong đám tang.

Tuy có sự thu hẹp nhưng dòng nhạc dân gian đặc sắc này vẫn còn vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng.

Nhạc lễ không chỉ là lễ nghi của con người đối với “thần thánh, trời đất” mà còn là tình cảm của những người hiện hữu với nhau, là lòng tri ân của người đương thời đối với người đã khuất.

Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội nên số bài bản Nhạc lễ được diễn tấu so với giai đoạn trước được giản lược bớt, những bài bản như Tán điệu, tán thích, thét, lớp ba, lớp tư, dàn dội, v.. v.. tuy có thực hiện nhưng rất  rời rạc, chấp vá; những lớp xổ, lớp bồng chập, trống xây, tấn phạn, tư rơi đã là những của “quí hiếm”. Đến nay, còn rất ít  nghệ nhân diễn tấu được hoàn chỉnh  bài bản của Nhạc lễ.
 
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm