Người góp phần giữ gìn làn điệu then ở bản Dao

Người góp phần giữ gìn làn điệu then ở bản Dao
Hát then. Nguồn ảnh: Báo ảnh Việt Nam
Hát then. Nguồn ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Thôn Bản Luông có 64 hộ dân đa số là dân tộc Dao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người dân nơi đây luôn phong phú. Mỗi buổi chiều tiếng đàn, tiếng hát từ những ngôi nhà sàn lại vang vọng khắp bản làng mang lại không khí vui tươi, đầm ấm. Từ tình yêu với nghệ thuật hát then, chị Dạy tự sưu tầm, học hỏi rồi tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Thế nên mới 28 tuổi nhưng chị Dạy đã có thể tự đàn, tự hát được hơn 20 bài gồm các thể loại như then cổ, then mới, các làn điệu then Bắc Kạn. 

Năm 2009, chị Dạy kết hôn và đến với vùng đất mới thôn Bản Luông 1, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông nơi có đồng bào Dao, Tày sinh sống, chị càng băn khoăn, trăn trở làm sao để các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc sẽ được bảo tồn và phát triển không bị mai một theo thời gian. Từ đó chị có ý tưởng dạy đàn tính cho bà con dân bản. Ban đầu thông qua các buổi sinh hoạt hội phụ nữ thôn, bản bằng lời ca tiếng hát của mình, dần dần chị đã tập hợp được một số hội viên tham gia học đàn, hát. Điều đặc biệt ở đây đã có cả những chị em dân tộc Dao tham gia.

Lớp học đàn tính, hát then của chị đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con thôn Bản Luông 1. Giờ đây nhóm đàn tính của chị đã thu hút được 15 thành viên, trong đó 10 người đã có thể tự đàn tự hát một số làn điệu then. Chị Triệu Thị Tươi, thôn Bản Luông 1, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông chia sẻ: Mình cũng đam mê đàn tính, hát then và muốn hiểu thêm về những nét độc đáo của những làn điệu dân ca then. Những làn điệu then của người Tày có sự khác biệt, mượt mà hơn, quyến rũ so với làn điệu dân ca của người Dao. Những tiết học của cô Dạy rất bổ ích, lý thú và thiết thực. Các buổi học mọi người đều đi đầy đủ. Chỉ sau mấy buổi học là mọi người có thể đàn và hát được. 

Độc đáo Then Tày Bắc Kạn. Nguồn ảnh: internet
Độc đáo Then Tày Bắc Kạn. Nguồn ảnh: internet

Ông Lộc Văn Kiện – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bạch Thông cho biết: Thế hệ trẻ giờ không mặn mà với những cây đàn tính, làn điệu then; trong khi đó những nghệ nhân đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” và các làn điệu then cứ thế mai một dần. Những lớp học như của chị Dạy rất bổ ích, cần được nhân rộng và thu hút hơn nhiều người đến học, nhất là những người trẻ. Từ đó giúp họ hiểu được truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần lưu giữ, phát triển những làn điệu then. 

Giờ đây, ngọn lửa say mê tiếng tính với những lời hát then say đắm lòng người của chị Mã Thị Dạy đã được truyền sang người dân thôn Bản Luông 1. Họ cùng ca cùng hát với cây đàn tính như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và chính họ là những người đang và sẽ góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lưu giữ làn điệu then.

Có thể bạn quan tâm