Nghệ thuật trang trí nhà của người Cơ Tu

Nghệ thuật trang trí nhà của người Cơ Tu

Người Cơ Tu ở Tây Giang, Quảng Nam không cất nhà gươl ở trung tâm làng, bởi vị trí này là chỗ để trồng cây nêu. Nhà gươl thường được cất lệch về một phía. Thông thường, bà con sẽ chọn hướng Tây, mặt tiền quay về Đông vì người Cơ Tu cho rằng hướng mặt trời mọc là hướng của sự phát triển, sinh sôi. 

Mái nhà gươl luôn cao hơn hẳn so với nhà dân xung quanh. Trên mái nhà, ở 2 phía đầu hồi thường chạm hình con gà hay hình mặt trăng hơi khuyết (gọi là Ta coi), là những hình ảnh gắn liền với đời sống sản xuất của bà con Cơ Tu.

Tấm ván nơi cửa ra vào để phòng kẻ thù tấn công. Ảnh: VNExpress
Tấm ván nơi cửa ra vào để phòng kẻ thù tấn công. Ảnh: VNExpress

Ông Pa Lăng Bưng, Phó phòng Văn hóa huyện Tây Giang, phân tích:

- Ta coi này họ lấy hình thù mặt trăng lộ gần nguyên vẹn, gần như trăng rằm, nhưng không phải trăng rằm. Ta coi là ngày đẹp nhất. Trong tháng có 2 thời điểm. Họ đi những ngày Ta coi là họ sẽ gặp được nhiều thú thì chắc chắn họ sẽ săn bắt được. Trong ngày đấy họ sẽ trồng chuối, trồng sắn nó sẽ nhiều quả, to, đều. Họ quan niệm vậy. Hoặc con gà, xưa nay là cái đồng hồ, khi nào buổi trưa gà gáy là họ biết khoảng đấy là trưa, họ nghỉ. Còn đến chiều khoảng 3h, nghe gà trồng gáy là xế chiều rồi. Nếu từ điểm sản xuất về nhà, họ sẽ chuẩn bị về. Đã khắc Ta coi thì không khắc con gà nữa.

Cửa vào nhà gươl được đặt chính giữa nhà theo chiều ngang. Để vào được nhà, người ta phải bước qua một tấm gỗ dày chừng 10 phân và cao khoảng 60 phân. Mặt ván quay ra ngoài, được điêu khắc hình đầu trâu. Phụ nữ, trẻ nhỏ không bước qua được ván. 

Theo ông Pa Lăng Bưng, ngoài tác dụng trang trí, xa xưa, tấm ván này là công cụ phòng thủ khi bị kẻ thù công kích:
- Ngày xưa họ rất sợ địch thù. Mình thì đang họp hành, họ tập trung tấn công mình. Xưa họ cầm kiếm, họ chém mình, mình cúi xuống thì nó vấp phải cái thừng gỗ này, mình không trúng, mình tránh được. Họ đâm thì mình cũng cúi xuống, họ đâm phải ván thừng này. Người Cơ Tu quan niệm thế thì họ làm như vậy.
 

Kiến trúc trang trí nhà gươl của người Cơ Tu Ảnh:VNExpress
Kiến trúc trang trí nhà gươl của người Cơ Tu      Ảnh:VNExpress

Không chỉ ở khu vực mái hay cửa ra vào, các hình chạm trổ có mặt ở mọi nơi trong nhà gươl: trên xà nhà, trên các tấm phên thừng xung quanh. Họ khắc và tô màu những hình con hổ, con gấu, con trăn, hình người trỉa lúa trồng bắp, dệt vải. Bên ngoài nhà, khắc những bộ mặt hung ác để xua đuổi tà ma.

Ông Briu Hương, ở thôn A Rớ, xã Lăng, Tây Giang, cho biết: 
- Người Cơ Tu thi đua với các bản làng khác. Ví dụ, nhà gươl như thôn tôi làm được, thôn kia không làm được. Như quan niệm của ông cha mình ngày xưa là nhà gươl càng to thì nội bộ đoàn kết, vừa người đông nữa, nên mới làm được nhà gươl to, khắc nhà gươl đẹp.
 
Đặc biệt, người Cơ Tu còn có tục treo đầu các loài vật trong nhà gươl. Bốn phía vách nhà đều treo đầy các đầu thú. Đầu các loại thú hoang lớn như heo rừng, hươu, nai được treo trên vách đối diện lối vào. Đầu các loại thú nuôi treo trên vách phía ngược lại. Còn 2 bên đầu hồi là nơi dành cho các loại thú nhỏ, từ con mang trở xuống. Những chiếc đầu trâu hiến sinh được treo trên chiếc cột cái – cột lớn nhất, linh thiêng nhất ở chính giữa nhà.
 
- Mình ăn thịt xong, mình treo đầu con thú lại trên nhà gươl này, mục đích là thưa trời đất mai mốt cho mọi người kiếm bắt lại thú vật này. Dân làng mình đừng đau, đừng ốm, bắt con thú này được nhiều. Các loại thú vật là mình treo hết được - ông Briu Hương bảo.
 
Đến nay, việc trang trí nhà gươl bằng đầu thú đã dần hạn chế. Người Cơ Tu vẫn giữ được nghệ thuật điêu khắc gỗ. Thậm chí, các hình chạm trổ còn có phần tinh xảo, điêu luyện hơn, hình thù cũng phong phú hơn xưa.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm