Nghệ nhân Phạm Văn Sự đam mê truyền lại văn hóa dân tộc H’rê

Nghệ nhân Phạm Văn Sự đam mê truyền lại văn hóa dân tộc H’rê
Âm nhạc là vũ khí chiến đấu

Từ năm 13 - 14 tuổi, nghệ nhân Phạm Văn Sự đã theo người lớn đi vào rừng lấy ống tre, ống nứa về để làm các loại nhạc cụ. Theo ông Sự, văn hóa của người H’rê phong phú và đa dạng lắm, ngoài các làn điệu dân ca Ca Chôi, Ta Lêu mượt mà, thắm tình, còn có rất nhiều nhạc cụ.

Gần 80 tuổi, nhưng ông Sự còn khỏe và minh mẫn lắm. Ông vẫn còn nghe rõ âm thanh của từng nhạc cụ, chỉnh chiêng vẫn còn điêu luyện. Ngày trước đi bộ đội, ông mang theo cây sáo, cây đàn của mình để vừa chiến đấu, vừa khích lệ anh em trong thời gian khó. Với ông, những bài ca, tiếng hát, điệu nhạc cũng là một vũ khí chiến đấu.
 
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sự với cây đàn B'rooc của dân tộc H'rê. Ảnh: Phạm Tiệp
Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Sự với cây đàn B'rooc của dân tộc H'rê. 
Ảnh: Phạm Tiệp

Sau khi trở về địa phương ông tiếp tục theo cách mạng và dạy các loại nhạc cụ cho rất nhiều người ở xã Ba Vinh. Khi hòa bình lập lại ông được chính quyền xã Ba Vinh giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban văn hóa xã, với nhiệm vụ và khả năng của mình ông đã được chính quyền địa phương xã Ba Vinh và huyện Ba Tơ đưa đi tham gia nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở huyện và tỉnh để phục vụ nhân dân.

Với các nhạc cụ làm bằng tre, nứa, ông Sự đều có thể tự mình làm được. Những ngày thong thả ở nhà, ông vẫn lôi đống tre, nứa ra làm nhạc cụ, một phần để dạy cho lớp thanh niên trong xóm, phần làm ra để bán cho khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa của người H’rê. “Để làm được nhạc cụ hay, phải có nguyên vật liệu tốt. Chỉ có những thứ lấy từ rừng sâu mới tạo ra được nhạc cụ có hồn và có âm thanh tốt. Để làm được một loại nhạc cụ phải mất khoảng nửa tháng trời. Trong đó loại đàn phổ biến nhất là đàn B’rooc, gồm 1 thanh tre hoặc nứa thẳng xuyên quả bầu khô rỗng ruột, thanh tre là cần đàn có 8 phím, mắc 2 dây, quả bầu vừa đẹp, vừa để tỳ đàn, vừa có chức năng cộng hưởng. Loại đàn này thường để tấu những làn điệu mang tính tự sự và ru con ngủ” - ông Sự cho hay.
Giữ gìn vốn quý cho con cháu

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng hễ có bất cứ sự kiện gì, hay lớp học nào cần tới sự giúp sức của mình, ông Sự đều cố gắng tham gia. Có lúc người ta thấy ông đi biểu diễn ở Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, có lúc lại thấy lên tỉnh để dạy cho các lớp chế tác nhạc cụ do sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tổ chức. Ông tâm sự: “Lớp trẻ bây giờ ít cháu đam mê âm nhạc và nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình lắm. Người biết chơi và chế tác nhạc cụ cũng chẳng còn mấy người. Nhà nước cũng tuyên truyền cho bà con nên giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình vậy nên tôi càng quyết tâm gìn giữ và lưu truyền cho con cháu” .

Điều mà nghệ nhân này tâm niệm là nhạc cụ truyền thống của mình sẽ giúp con cháu, bạn bè chung quanh hiểu thấu đáo và trọn vẹn hơn về vốn văn hóa của dân tộc mình. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài đục đẽo, vót tỉa, rèn giũa để làm ra nhạc cụ đẹp. Bộ sưu tập của ông gồm có các loại nhạc cụ như đàn B’rooc, sáo Ta lía, đàn Rơ đong, đàn G’râu... Hiện ông đang hướng dẫn cho 2 học trò là anh Phạm Văn Hin và Phạm Văn Không. Cả hai đều theo học ông Sự được 4,5 tháng và đã thi đỗ vào lớp năng khiếu của tỉnh.

“Tìm được người gắn bó với âm nhạc và bản sắc văn hóa của dân tộc, mình quý lắm. Chỉ cần còn có người yêu thích, mình sẽ tiếp tục truyền dạy. Quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để người H’rê mình không quên đi vốn bản sắc đã được cha ông để lại” - ông Sự chia sẻ.
 
Ông Quỳnh Hữu Thái - Phó trưởng phòng Văn hóa, Thông tin, Thể thao huyện Ba Tơ cho hay: Nghệ nhân Phạm Văn Sự là một trong số ít còn biết chế tác và biểu diễn thuần thục nhiều loại nhạc cụ của dân tộc H’rê. Đàn của ông Sự làm ra vừa đẹp vừa có âm thanh hay, trên địa bàn huyện, cũng không còn nhiều nghệ nhân như vậy. Ông Sự đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
 
Theo langvietonline.vn

Có thể bạn quan tâm