Nghệ nhân Hoàng Thị Nhật "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày

Nghệ nhân Hoàng Thị Nhật "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày
Sinh ra, lớn lên trong gia đình truyền thống của đồng bào Tày xã Xuân Giang, từ nhỏ bà Hoàng Thị Nhật đã nghe quen tiếng kẽo kẹt thoi đưa khung cửi; được các bà, các mẹ trong thôn, bản dạy cách nhuộm chàm, dệt vải, thêu hoa. Với đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ, ở tuổi 12 – 13, bà Nhật đã dệt được những tấm vải hoa chăn, hoa gối đẹp mắt. Ban đầu bà Nhật chỉ dệt cho gia đình dùng, tuy nhiên do số lượng người dệt trong bản giảm dần nên bà dệt thêm bán cho người dân trong thôn bản và du khách thập phương.

Nghệ nhân Hoàng Thị Nhật "giữ lửa" nghề dệt thổ cẩm dân tộc Tày ảnh 1
Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Nhật dệt thổ cẩm bằng khung cửi truyền thống.

Bà Nhật chia sẻ, từ bao đời nay, nhuộm chàm, dệt thổ cẩm đã trở thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Tày. Người con gái Tày từ thuở lên bảy, lên mười đã được bà, mẹ dạy cho cách nhuộm chàm, dệt vải, đến tuổi về nhà chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp để dùng vào các dịp lễ, hội của thôn, bản. Đó là một thước đo sự khéo léo, chăm chỉ, cần cù của người con gái Tày. Thế nhưng những năm gần đây, đời sống kinh tế đã khá hơn nên bà con trong thôn dần thay những sản phẩm thổ cẩm truyền thống bằng những bộ trang phục hiện đại. Người trẻ không còn nhiệt tình với khung cửi, dệt thêu thổ cẩm; người biết, giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống đến giờ không còn nhiều, điều này làm cho bà rất trăn trở, suy nghĩ.

Với mong muốn lưu giữ, phát triển nghề dệt truyền thống, bà Nhật đã tích cực động viên, truyền dạy cho con cháu trong gia đình, trong thôn bản như các chị Hoàng Thị Khởi, Hoàng Thị Thủy, Hoàng Thị Điều... Đồng thời, được sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2012, bà Nhật đã thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Mường Chang ở thôn Chang do bà làm Chủ nhiệm, cùng 26 thành viên.

Để tạo niềm tin cho khách hàng và tăng lượng tiêu thụ, bà Nhật và các thành viên trong HTX tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm. Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, vỏ chăn, HTX còn dệt thêm những sản phẩm mới như túi xách, dép, thú nhồi bông, túi đựng điện thoại nhỏ nhắn, đơn giản, tinh tế với những sắc hoa văn truyền thống có giá bán dao động từ 30.000 đồng (dây dao, túi đựng điện thoại) đến cả triệu đồng (mặt chăn, khăn trải bàn). Với sự tâm huyết, nhiệt tình, bà Nhật không chỉ đưa sản phẩm ra các chợ phiên địa phương mà còn đem trưng bày ở nhiều Hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài tỉnh. Tiếng lành đồn xa, dệt thổ cẩm Mường Chan không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái... đặt mua.

Tính đến nay, NNDG Hoàng Thị Nhật đã có gần 60 năm lưu giữ nghề dệt truyền thống dân tộc Tày. Việc làm của bà luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của gia đình và được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, anh Nguyễn Anh Thùy cho biết: “Trước đây nghề dệt thổ cẩm tại địa phương dần bị mai một. Sau khi NNDG Hoàng Thị Nhật thành lập HTX Mường Chang, nghề dệt truyền thống đã từng bước được khôi phục và phát triển. Không chỉ thêm thu nhập cho nhiều hộ dân ở  thôn Chang mà HTX còn góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Tày ở Xuân Giang – Quang Bình đến đông đảo du khách trong, ngoài nước”.

Yến Vũ (Theo baohagiang.vn)

Có thể bạn quan tâm