Nghề đan lát của đồng bào Raglai ở Tập Lá

Nghề đan lát của đồng bào Raglai ở Tập Lá
Chúng tôi được anh Phạm Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chiến (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) giới thiệu về một làng nghề truyền thống tại địa phương. Cách trung tâm xã khoảng 5km theo hướng Tỉnh lộ 706, làng nghề thôn Tập Lá hiện trước mắt chúng tôi. Ông Katơr Hiệu, người đã gắn bó với nghề trên 30 năm cho chúng tôi biết, nghề đan nia, gùi, nỏ… là nghề truyền thống của làng. Khi ông sinh ra thì đã biết nghề này, nhưng qua thời gian, nghề truyền thống của bà con Raglai dần mai một. Tuy nhiên, một số người dân địa phương vẫn cố gắng “giữ” lại nghề truyền thống của cha ông để lại.

Anh Đá Mài Xoai truyền dạy nghề đan gùi cho vợ và các con.
Anh Đá Mài Xoai truyền dạy nghề đan gùi cho vợ và các con.
Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2246/QĐ-UBND ngày 7-10-2011 về phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, bà con nơi đây rất vui mừng, phấn khởi, đã mở ra hướng phát triển cho làng nghề truyền thống dần bị quên lãng. Ông Phạm Văn Luyện cho biết thêm: Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, địa phương đã chọn thôn Tập Lá để tập hợp người dân, bàn bạc thành lập làng nghề nơi đây. Qua hơn 4 năm, làng nghề đã được hỗ trợ mở 2 lớp đào tạo nghề đan lát, tham gia 5 lần hội chợ triển lãm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ vay vốn, thành lập mô hình tổ hợp tác làng nghề thủ công mỹ nghệ… Từ đó đã thu hút đông đảo bà con tham gia vào làng nghề, số lượng sản phẩm ở đây tăng dần qua từng năm. Năm 2015, đã có hơn 8.000 sản phẩm được sản xuất, trong đó nhiều nhất là gùi, nia, nỏ, tó... Có thể nói, điều đáng ghi nhận trong thời gian qua là số lao động tham gia làng nghề qua các năm tăng dần, đến thời điểm hiện nay có trên 100 người làm nghề. Thu nhập bình quân từ nghề đan lát khoảng 50-70 ngàn đồng/ngày/người.

Anh Đạo Thiên Vũ, Phó phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Thuận Bắc, cho biết: Để làng nghề ở thôn Tập Lá sớm được công nhận, thì rất cần sự tham gia tích cực, tâm huyết từ người dân và chính quyền nơi đây. Huyện Thuận Bắc rất mong các sở, ngành hướng dẫn cụ thể quy trình xây dựng và quy hoạch vùng nguyên liệu cho làng nghề; xây dựng điểm trưng bày sản phẩm, thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu của làng nghề; hỗ trợ tìm kiếm đối tác, kết nối với doanh nghiệp gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Có như vậy, làng nghề Tập Lá sẽ phát triển, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo hướng đi mới giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Báo Ninh Thuận

Có thể bạn quan tâm