Ngày hội Văn hóa, Du lịch huyện Tam Đường năm 2018 tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống con người vùng cao

Ngày hội Văn hóa, Du lịch huyện Tam Đường năm 2018 tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống con người vùng cao
Bí thư huyện ủy Tam Đường đánh trống khai mạc Ngày hội Văn hóa, Du lịch huyện Tam Đường năm 2018. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Bí thư huyện ủy Tam Đường đánh trống khai mạc Ngày hội Văn hóa, Du lịch huyện Tam Đường năm 2018. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Theo Ban tổ chức: Nét mới và điểm nhấn của Ngày hội Văn hóa, du lịch huyện Tam Đường năm nay là có sự hội tụ, tái hiện sinh động các hoạt động sinh hoạt, sản xuất, vui chơi, trò chơi dân gian, thi nấu ăn, giã bánh giầy, thi chim cảnh tại 7 không gian văn hóa truyền thống dân tộc Mông, Dao, Lào, Lự, Thái, Giáy, Kinh ở khu vực trung tâm tổ chức lễ hội. Đặc biệt lễ hội đường phố với các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu do hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân tham gia trình diễn đã góp phần tạo lên một chương trình nghệ thuật quy mô lớn đa dạng sắc màu.

Tại bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) với nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao là nơi trình diễn dù lượn “Bay lên Pu Ta Leng” của đoàn 50 phi công đến từ câu lạc bộ dù lượn trong nước và quốc tế. Bản Lao Chải 1 (xã Khun Há) diễn ra hoạt động “Ngày hội bản Mông”. Đồi thông Thàn Pả (xã Tả Lèng) tổ chức “Lễ hội Khèn Mông” giữa không gian hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, nghệ thuật sắp đặt, đường chong chóng, đường cánh buồm…

Ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa, Du lịch huyện Tam Đường năm 2018 góp phần tích cực nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và nét đẹp độc đáo của thiên nhiên, con người vùng cao của huyện Tam Đường. Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để huyện Tam Đường giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc văn hóa - du lịch với du khách trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, khẳng định sự gắn kết, xây dựng khối đại đoàn kết trên địa bàn huyện, tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên tinh thần nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống, bản sắc tốt đẹp trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội...

Đến nay, huyện Tam Đường đã có 10 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lai Châu công nhận. Từ năm 2017 đến nay, du lịch Tam Đường đã có nhiều khởi sắc, lượng khách đến với Tam Đường tăng cao. Năm 2017, lượng khách đến với huyện đạt 47.300 lượt...

Trước khi diễn ra Ngày hội Văn hóa, Du lịch huyện Tam Đường năm 2018, Ban tổ chức phối hợp với Câu lạc bộ Dù lượn Vietwings Hà Nội khai mạc Festival dù lượn “Bay lên đỉnh Putaleng” với sự tham gia của 50 phi công trong nước và quốc tế. Đây là một hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp tự nhiên của huyện Tam Đường như: Thác tình, ruộng bậc thang... và các giá trị văn hoá truyền thống của người dân tộc Dao. Đây là năm đầu tiên, huyện Tam Đường tổ chức Festival dù lượn “Bay lên đỉnh Putaleng”. So với các điểm bay dù lượn khác, nơi đây có những điểm hấp dẫn riêng, tạo điều kiện cho phi công sáng tạo, trải nghiệm dù lượn trên sườn Tây dãy Hoàng Liên Sơn, thưởng ngoạn khung cảnh tự nhiên, đời sống lao động sản xuất của người dân từ trên cao.

Trong khuôn khổ Festival dù lượn còn diễn ra các hoạt động tham quan bản văn hoá du lịch Sì Thâu Chải, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, sản xuất, thưởng thức ẩm thực dân tộc, tham gia các trò chơi dân gian... Thông qua Festival dù lượn, Ban tổ chức muốn gửi thông điệp về bảo vệ các giá trị văn hoá dân tộc gắn với phát triển văn hoá, du lịch; kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch gắn với bảo vệ môi trường,  tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

Sau đây là hình ảnh về một số tiết mục văn nghệ của các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) biểu diễn chào mừng tại đêm khai mạc Lễ hội (Ảnh: Quý Trung - TTXVN):
 
 
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm