Nét văn hóa giàu bản sắc về trưởng họ của các dân tộc tại Cao Bằng

Nét văn hóa giàu bản sắc về trưởng họ của các dân tộc tại Cao Bằng
Bàn thờ gia đình ông Lý Văn Nguyên, xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) là trưởng họ Lý người Dao Tiền tại đây có chiếc trống con và thờ tranh ma khác với gia đình không phải trưởng họ.
Bàn thờ gia đình ông Lý Văn Nguyên, xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình) là trưởng họ Lý
người Dao Tiền tại đây có chiếc trống con và thờ tranh ma khác với gia đình không phải trưởng họ.
Theo quan niệm chung của người Việt Nam dòng tộc là cộng đồng những người có chung một ông tổ, cùng mang một họ về phía người cha. Đứng đầu một dòng họ có trưởng họ tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Người làm trưởng họ phải có phẩm chất, có tư cách đạo đức, được mọi người trong dòng họ tin tưởng, tín nhiệm. Nếu người đó hội đủ các yếu tố: Tâm (hiếu lễ, hòa kính, trách nhiệm…), tài (khả năng tài chính đủ ăn, đủ chi), trí (hiểu biết về xã hội, lệ tục, có trình độ, có vị thế trong xã hội, biết sắp xếp công việc), thể (có sức khỏe, xốc vác, minh mẫn) thì xứng đáng là ngọn cờ tập hợp toàn gia. Kéo theo đó, vai trò của dâu trưởng lại càng quan trọng ở tính nhẫn, hiếu, lễ. Nếu hội đủ hay đáp ứng phần nào những phẩm chất trên mà thực sự có tâm thì có vai trò, ảnh hưởng trong dòng họ và khi đó thì gia đình đó hay chi, phái đó hoặc toàn gia tộc sẽ vững vàng đi vào hưng thịnh. Cùng chung tiến trình lịch sử phát triển nên cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ... tại Cao Bằng cũng quan niệm dòng họ là một điều thiêng liêng, trong đó, vai trò của trưởng họ rất quan trọng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau nên trong cách quy định, nghi thức, vai trò của người trưởng họ của mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng riêng.

Trưởng họ của cộng đồng người dân tộc Tày trên địa bàn tỉnh có nhiều nét tương đồng với người dân tộc Kinh mang tính chất cha truyền con nối. Trường hợp trưởng họ không có con trai thì truyền lại trong nội bộ chi trưởng, không truyền lại cho các chi dưới. Họ lớn có trưởng họ lớn, các chi có trưởng chi. Tức là người con trai thứ nhất của chi thứ nhất hay còn gọi là chi trưởng, ngành trưởng. Trưởng họ có quyền lợi, nghĩa vụ rõ ràng, có trách nhiệm trông nom bàn thờ họ, tổ chức các kì cúng lễ, chủ trì các nghi lễ trong dòng họ. Ngày trước, họ nào cũng có ruộng hương hoả và tự điền thêm cho người trưởng họ. Những dịp tế lễ, tết... trưởng họ dù còn trẻ tuổi vẫn là chủ tế, nếu còn nhỏ quá thì một trưởng lão trong họ có thể đứng bên cạnh nhắc nhở, hướng dẫn.

Với người dân tộc Nùng nói chung và tại xã Phúc Sen (Quảng Uyên) nói riêng, trong dòng họ lại không trưởng họ cụ thể trong một gia đình thuộc chi trưởng như người dân tộc Tày. Lý giải về vấn đề này, ông Sạch Văn Vấn, dân tộc Nùng, xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên) cho biết: Truyền thống bao đời nay của người dân tộc Nùng tại đây ai thấy “mặt trời” trước sẽ được gọi là anh/chị không phân biệt con anh hay con em. Như trong gia đình tôi, tôi là anh nhưng con trai/gái của em trai tôi được sinh ra trước con tôi thì con của em tôi lại được con tôi gọi là anh/chị. Nên trải qua các thế hệ việc xác định rõ ngôi thứ trong họ không như người dân tộc Kinh, Tày và các dân tộc khác nên trong họ người Nùng tại đây không có một trưởng họ cụ thể. Nhưng khi trong họ có việc hiếu, hỷ, cúng lễ thì người có phẩm chất tốt, gia đình hòa thuận, được cả họ tín nhiệm sẽ đảm nhận mọi việc như một trưởng họ. Mọi quyết định được bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão.

Theo chân cán bộ UBND xã Hoa Thám (Nguyên Bình), chúng tôi đến nhà ông Lý Văn Nguyên, xóm Gảm Tẹn,  xã Hoa Thám là trưởng họ Lý người Dao Tiền tại đây. Khi vào nhà, điều phân biệt rõ nhất gia đình trưởng họ với các gia đình Dao Tiền bình thường khác chính là bàn thờ. Theo ông Nguyên: Với người Dao Tiền chúng tôi, bàn thờ trưởng họ ngoài có bốn chân,  một bát hương như các gia đình khác thì chỉ gia đình trưởng họ mới có chiếc trống con để trên bàn thờ và có thờ tranh ma, trong khi các gia đình bình thường chỉ thờ miếng gỗ khắc hoa. Chiếc trống con trên bàn thờ là điều khác biệt lớn nhất để mọi người phân biệt bàn thờ của trưởng họ người Dao. Chiếc trống là vật được sử dụng trong tất cả các nghi lễ cưới xin, ma chay, cấp sắc... của người Dao Tiền nơi đây. Những nghi thức mà phong tục quy định trong một đời người Dao Tiền luôn ghi dấu ấn của trưởng họ. Khi một người qua đời, bức tranh ma do tổ tiên truyền lại sẽ được trưởng họ mở ra cầu cho linh hồn người chết về thế giới bên kia được bình an. Ngày Tết Nguyên đán các gia đình trong dòng họ sẽ đem lễ đến bàn thờ gia đình trưởng họ để dâng lên tổ tiên.

Nếu trưởng họ của các dân tộc: Kinh, Tày, Dao Tiền kể trên có tính chất cha truyền con nối qua các thế hệ thì với người dân tộc Sán Chỉ tại xã Thượng Hà (Bảo Lạc) lại có nét riêng biệt. Theo ông Hoàng Văn Đời, 78 tuổi, trưởng họ Hoàng năm 2016 tại xóm Nà Dạn, xã Thượng Hà (Bảo Lạc) cho biết: Trưởng họ của người dân tộc Sán Chỉ được các gia đình trong dòng họ hằng năm xem xét và bầu lên căn cứ vào uy tín trong cộng đồng, biết cúng lễ, thông thạo phong tục, gia đình mẫu mực. Hằng năm, thường vào dịp Tết Nguyên đán khi các gia đình tập trung đến nhà trưởng họ năm đó thì cũng là lúc bàn bạc, thống nhất bầu người sẽ làm trưởng họ cho năm kế tiếp. Truyền thống lâu đời này đã được lưu giữ qua các thế hệ cho đến nay.

Điểm qua một số dân tộc trên địa bàn tỉnh với nét văn hóa mang tính đặc trưng riêng của từng dân tộc về trưởng họ và vai trò của trưởng họ để thấy rằng việc họ thời nào cũng quan trọng, nó bao gồm nhiều phần việc khác nhau mà quan trọng là: Giỗ tổ; soạn, ghi chép gia phả, chắp nối họ mạc… là việc làm tự nguyện, công tâm hướng về cội nguồn và là trách nhiệm chung. Mọi quyết định cần bàn bạc dân chủ trên cơ sở thỏa hiệp, tôn trọng ý kiến các bậc trưởng lão, cần có những quy ước mới về cúng giỗ cho thích hợp. Khi đó, người trưởng họ chỉ cần giữ vai trò cố vấn và quyết định những vấn đề thuộc về việc họ còn mọi việc khác tôn trọng tự do của các thành viên. Thời nay, ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân, không còn ruộng hương hoả, không còn chế độ thu tô, quyền lợi của trưởng họ đối với tổ tiên và họ hàng cũng tuỳ thuộc vào nhận thức, tâm tư, trình độ hiểu biết, hoàn cảnh sinh sống của từng người, không có một chế độ quy định nào ràng buộc. Trong tiến trình đổi mới hiện nay, khi UNESCO lấy ngày15/5/1994 làm Ngày Quốc tế gia đình và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định Số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày28/6/2001 là Ngày Gia đình Việt Nam thì vấn đề khơi lại việc họ, tìm lại, soạn gia phả ngày càng được quan tâm, chú ý rộng rãi hơn. Đối với mọi người, nhất là với những người xa quê việc tìm về cội nguồn nhằm biết được gốc tích, quan hệ trên dưới, thân sơ... biết ngày giỗ, nơi đặt mồ mả và công tích của tiền nhân nên trưởng họ ở thời trước hay nay và mai sau đều có vai trò rất lớn.

Dòng họ nào mạnh hay yếu, thành đạt hay suy vi, tình cảm họ hàng gắn bó hay không, tác động tốt xấu tới phong trào chung, còn tuỳ thuộc vào nhiệt tình, khả năng tổ chức lãnh đạo của một số cá nhân, trong đó, trưởng họ đóng vai trò chủ chốt. Trưởng họ nào biết tận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn họ, biết khơi dậy những thế mạnh chắc mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ. Do đó, việc giữ gìn và phát huy truyền thống gia tộc, trong đó, vai trò trưởng họ của mỗi dân tộc là giữ lấy cho con cháu đời sau một mảng văn hóa độc đáo gắn liền với đạo hiếu.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm