Múa Chầu trong hát Then đàn tính

Múa Chầu trong hát Then đàn tính
Theo các nhà nghiên cứu, múa trong Then có 3 hình thức là: múa tập thể, múa đôi, múa đơn. Hình thức múa tập thể có hai điệu múa là múa Chầu và múa Sluông, là hai điệu múa chính trong nghệ thuật diễn xướng của Then. Đạo cụ chủ yếu cho múa Chầu và múa Sluông là chiếc quạt và cây đàn tính, chùm sóc nhạc.
 
Múa Chầu trong lễ giải hạn đầu năm cầu sức khỏe, bình an và tài lộc. Ảnh: Huy Hùng
Múa Chầu trong lễ giải hạn đầu năm cầu sức khỏe, bình an và tài lộc. Ảnh: Huy Hùng
Trong cuộc diễn xướng Then, các chúa Then thường thể hiện điệu múa Chầu song song với khúc hát chầu tổ tiên, chầu cung vua, chầu chúa trời... Người múa Chầu tay phải cầm chùm sóc nhạc theo nhịp bước, tay trái cầm quạt, di chuyển vòng tròn, hàng ngang hay tiến lùi theo vòng xuyến. Các động tác múa dứt khoát, khoan thai, uyển chuyển, nhẹ nhàng mang tính ước lệ theo nhịp đàn tính; thể hiện mô phỏng các thao tác lao động sản xuất, từ việc cày cấy, thu hoạch, chăn nuôi, săn bắt, tạo nên các sản phẩm có mặt trong mâm lễ vật dâng cúng. Múa dâng lễ vật lên tổ tiên của những chúa Then mới được cấp sắc, múa dâng lễ vật lên cha mẹ Then thể hiện sự tôn kính, trân trọng của các chúa Then đại diện cho con cháu đối với tổ tiên. Múa dâng lễ vật khi vào chầu cung vua, các chúa Then đại diện cho muôn dân tỏ lòng tôn kính và cảm ơn vua chúa đã che chở cho muôn dân có được cuộc sống bình yên, ấm no. Múa dâng lễ vật khi vào chầu Ngọc Hoàng (chúa trời), các chúa Then đại diện cho muôn dân tỏ lòng tôn kính và cảm ơn chúa trời đã cho muôn dân được bốn mùa mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, muôn loài sinh sôi, phát triển.

Trong màn múa Chầu, các chúa Then chủ yếu là biểu diễn các động tác múa theo nhạc đệm, còn phần nhạc đệm và hát những khúc hát là do một người hoặc một nhóm người làm thầy cúng đảm nhiệm. Ca từ trong các bài diễn xướng Then  mộc mạc, giản dị, mang tính giáo dục và nhân văn, dễ vào lòng người, mang khí chất vốn có của người Tày, Nùng.

Múa Chầu nói riêng và múa trong nghệ thuật diễn xướng Then là sự thể hiện các hoạt động của nghệ nhân Then cả về phương diện tâm linh cũng như nghệ thuật. Múa Chầu trong diễn xướng Then của người Tày ở Cao Bằng kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa trình tự nội dung của cuộc diễn xướng và mục đích, ý nghĩa của nghi lễ.
Dòng chảy của thời gian cùng với những đổi thay trong đời sống xã hội, nghệ thuật múa Chầu nay đã bị mai một, ít người còn biết đến loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tuy nhên, tại xã Trọng Con (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), loại hình nghệ thuật truyền thống này vẫn được gìn giữ qua các thế hệ. Đối với cụ Đinh Thị Nhâm, xóm Nà Lèng, (xã Trọng Con, huyện Thạch An), múa Chầu như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Cụ Nhâm cho biết: Tiếng then tính ngọt ngào, những điệu múa Chầu mượt mà uyển chuyển trong các dịp lễ, tết của làng bản, gia đình đã khiến cho cụ từ khi còn là một cô bé mới hơn 10 tuổi say mê và tập luyện theo. Cụ đã tham gia múa Chầu rất nhiều ở những dịp hội làng, hội xuân hay lễ mừng nhà mới, lễ cấp sắc.

 Cũng với niềm đam mê, tâm huyết với hát Then đàn tính, với những câu sli, câu lượn, nhiều năm qua, ông Hoàng Văn Thiệu đã dày công sưu tầm, tìm hiểu, lưu giữ nhiều thông tin quý giá các loại hình nghệ thuật dân gian này và bản thân ông là tư liệu “sống” - là một nghệ nhân trực tiếp thể hiện. Với những đóng góp trong khôi phục và gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2015, ông được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình Lễ hội truyền thống.
 
Báo điện tử Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm