Luật tục bảo vệ rừng

Luật tục bảo vệ rừng
Rừng được bà con các dân tộc thiểu số gìn giữ thông qua những luật tục.
Rừng được bà con các dân tộc thiểu số gìn giữ thông qua những luật tục.

Các dân tộc thiểu số ở nước ta sống chủ yếu ở các vùng rừng núi, do vậy, rừng gần như quyết định cuộc sống của họ. 

Người Ê Đê có bộ luật tục bảo vệ môi trường gồm 236 điều với khoảng trên dưới 8.000 câu.

Trong đó, những điều luật tục liên quan đến việc bảo vệ môi trường được cộng đồng quan tâm hơn cả là bảo vệ rừng, chim thú, đất đai, nguồn nước. Với việc bảo vệ rừng, theo Luật tục Ê Đê quy định việc bảo vệ cây đầu nguồn, bảo vệ cây rừng bên bờ suối, bảo vệ cây rừng ở bến nước, bảo vệ cây rừng ở khu rừng già, bảo vệ cây rừng ở khu rừng non.

Bởi cây rừng là mái nhà của cộng đồng, mất cây rừng đất sẽ xói mòn, nguồn nước sẽ cạn kiệt, con người và muôn loài sẽ bị huỷ diệt. Do đó bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng.

Điều 231 của Luật tục Ê Đê quy định: “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng, trông coi cây K’tơng, cây Kdjar”, kẻ xâm lấn rừng và đất rừng của người khác nhất định phải bị đưa ra xét xử.

Luật tục cũng răn dạy: “Cây rừng đã có từ thời xưa của ông bà để lại. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ muôn làng. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước. Bảo vệ cuộc sống của nhân dân”.

Trong Luật tục Ê Đê đã có những điều luật về các vụ cháy rừng, quy định về việc không đốt lửa bừa bãi, vô ý thức khi vào rừng; khuyên răn mọi người phải hết sức chú ý khi dùng lửa, nếu ai gây cháy sẽ bị trừng phạt rất nặng.

“Đàn ông thường đốt lửa bừa bãi, đàn bà thường đốt lửa bậy bạ, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điếc, kẻ đui, có những người đốt lửa mà làm như kẻ điên, người dại”… “E rằng đi rẫy lo việc nương rẫy mà không biết đi, cầm theo những đầu dây còn cháy dở có thể huỷ diệt cả rừng. Lửa sẽ bén vào rừng thiêu trụi cỏ cây, mọi vật. Còn e rằng lửa sẽ cháy lan, thiêu trụi cả xóm làng người ta, thiêu trụi cả chòi, cả kho lúa người ta đã dựng lên trong rừng, trong rẫy, mà xung quanh chưa kịp dọn quang”...

Trong khi đó, Luật tục Thái (Hịt khòng Mường Bản) cũng có đoạn quy định:

“Không nạn nào hơn nạn lửa, nạn nước

Dùng nước phải biết tránh luồng nước

Dùng lửa hãy giữ gìn nạn cháy”.
 
Người M’nông trong Lễ cúng phát rẫy.
 
Như vậy, việc quy định về cách bảo vệ, phòng, chống nạn cháy rừng rất cụ thể, sát thực tiễn và mọi người rất hưởng ứng tuân theo và nó ăn sâu vào trong tâm thức của từng người. Người dân thường rất vui khi thực hiện những quy định của cộng đồng đề ra.

Đây là một vấn đề mà pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường cũng như các lĩnh vực pháp luật khác của Nhà nước ta chưa làm được.

Ngoài nạn cháy rừng, luật tục quy định rất cụ thể về quản lý, khai thác, bảo vệ các cánh rừng, việc vi phạm những điều luật về bảo vệ rừng bị xử phạt nghiêm khắc.

Thông thường, đồng bào quan niệm rừng, môi trường thiên nhiên là tài sản chung của tất cả mọi người, không phải của riêng ai và là nguồn sống không thể thiếu được của họ. Do vậy, mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Luật tục của người M’nông ở Đắc Nông có 215 điều với khoảng 7.000 câu, trong đó vấn đề bảo vệ rừng được quy định: “Khu rừng sâu đâu phải của nai, khu rừng đó là của tổ tiên, khu rừng đó là của con cháu, khu rừng đó là của ông bà, khu rừng đó là của chúng ta”. Do đó, nếu ai phá rừng sẽ bị lên án bằng cách: “Làm nhà đừng dùng cây nữa; làm chòi đừng đừng dùng cây nữa; làm rẫy không phát rừng nữa; khi thiếu đói đừng đào củ nữa…”.

Luật tục dân tộc Thái quy định về sự cân bằng sinh thái giữa con người với rừng núi; nó thể hiện trong tập quán phân loại rừng thành từng khu vực nhằm phục vụ các nhu cầu khác nhau của cuộc sống như: rừng núi phòng hộ nằm trên khu vực đầu nguồn nước, tuyệt đối cấm khai thác; rừng núi dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà và phục vụ các nhu cầu cuộc sống thì tuyệt đối không được chặt đốt làm nương; núi rừng phục vụ cuộc sống tâm linh, được gọi bằng tên chung là “rừng thiêng”.

Có thể nói, việc quản lý bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng được quy định rất chặt chẽ và cụ thể trong các điều khoản của các bộ luật tục. Ngoài ra, việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên rừng này còn được thể hiện rộng rãi trong các phong tục, tập quán sinh hoạt hàng ngày của từng dân tộc khác nhau mà không được ghi chép thành văn bản. 

Với cách thức bảo vệ rừng như vậy của các dân tộc thiểu số ở nước ta trước đây, trong một thời gian dài đã bảo vệ được những cánh rừng luôn xanh tươi. Vì vậy, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hiện nay, nếu biết vận dụng tốt các phong tục, tập quán, luật lệ quản lý và bảo vệ rừng trên cơ sở của Luật Bảo vệ và phát triển rừng của Nhà nước để xây dựng nên một quy chế bảo vệ và phát triển rừng ở từng cơ sở, thì việc quản lý, bảo vệ và khái thác tài nguyên rừng sẽ có hiệu quả hơn.    
Theo daidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm