Lễ hội đền Lộng Khê thành di sản cấp quốc gia

Lễ hội đền Lộng Khê thành di sản cấp quốc gia
Cây Đình Liệu tỏa sáng trong đêm lễ hội Đền Lộng Khê. Ảnh: thaibinhtv.vn
Cây Đình Liệu tỏa sáng trong đêm lễ hội Đền Lộng Khê. Ảnh: thaibinhtv.vn

Làng Lộng Khê có tên nôm là làng Nhống, được hình thành cách đây hơn 1.000 năm. Vào thời Lý, cùng với Đào Động, Tô Đê, A Sào, Lộng Khê được coi là một trong “tứ cố cảnh” của huyện Phụ Dực (nay là huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Đền Lộng Khê được xây dựng từ thời Nguyễn, thờ Quốc sư Dương Không Lộ, Thái úy Lý Thường Kiệt và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Hàng năm, để ghi nhớ công lao của các bậc anh hùng, dân làng Lộng Khê tổ chức lễ hội từ ngày 23/3 đến ngày 25/3 âm lịch với nhiều hoạt động như lễ rước nước, rước kinh, lễ tế mở cửa đền… Năm 1990 đền Lộng Khê được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Điểm độc đáo của Lễ hội đền Lộng Khê còn lưu giữ được cho đến ngày nay, tạo khác biệt so với các lễ hội khác vùng châu thổ Bắc bộ là tục múa Bát Dật và tục đốt cây đình liệu. Mỗi năm tổ chức hội, việc chuẩn bị cây đình liệu được giao cho một thôn trong xã với mong ước về vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu. Nguyên liệu làm cây từ tre, củi được bó bện từ những bó nhỏ tạo thành bó lớn với đường kính gốc từ 1,2-1,5 mét, chiều cao từ 15-18 mét, mang biểu trưng cầu nối giữa trời và đất, giữa con người với các bậc thần linh. Cây đình liệu được sơn màu đỏ, ngọn cây tạo thành đài sen được tẩm dầu, có dây dẫn xuống phía dưới. Vào ngày mở hội, cây đình liệu được đốt như bó đuốc khổng lồ với ý nghĩa tâm linh cầu may mắn, hạnh phúc, sung túc cả năm cho dân làng. 

Múa Bát Dật vốn là điệu múa cung đình, trong lễ hội đền Lộng Khê chính là điệu múa Bài Bông thời Trần đã được sắp xếp lại với nhịp phách hát ả đào và những bài chúc tụng cổ điển ca ngợi chiến thắng, ca ngợi mảnh đất thanh bình với động tác gắn liền với nghề nông. Điệu múa này gồm nhiều lớp như múa lễ thánh, múa hoa hồi, múa bát môn, múa quay tơ, múa bổ đồn, múa tiên, múa xoáy ốc... 

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, địa phương sẽ xây dựng chương trình hành động để bảo tồn những giá trị văn hóa trong lễ hội đặc sắc này. Như vậy, đến nay tỉnh Thái Bình đã có 6 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm lễ hội chùa Keo (huyện Vũ Thư), lễ hội đền Trần, lễ hội đền Tiên La (huyện Hưng Hà), lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền A Sào và lễ hội đền Lộng Khê (huyện Quỳnh Phụ). 
Thu Hoài
TTXVN

Có thể bạn quan tâm