Lai Châu: Bảo tồn, phát huy không gian văn hóa truyền thống để phát triển du lịch

Lai Châu: Bảo tồn, phát huy không gian văn hóa truyền thống để phát triển du lịch
Dịp lễ tết, con cháu phải mang đồ đến chúc tết ông bà, bố mẹ. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Dịp lễ tết, con cháu phải mang đồ đến chúc tết ông bà, bố mẹ.
Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Nằm trong vùng không gian quyến rũ của Tây Bắc, ở thượng nguồn sông Đà, Lai Châu có điều kiện phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Thiên nhiên đã ban tặng cho Lai Châu các danh thắng như: cao nguyên huyện Sìn Hồ, xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), xã Dào San (huyện Phong Thổ). Tỉnh còn có hệ thống sông suối nhiều cảnh đẹp: sông Đà, sông Nậm Mu, Nậm Na; có nhiều hang động, thác nước, suối khoáng như động Tiên Sơn, thác Tác Tình (Tam Đường), suối nước nóng Vàng Bó (Phong Thổ), Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường). Tỉnh Lai Châu còn có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ của cộng đồng 21 dân tộc gồm Thái, Mông, Dao, Cống, Hà Nhì, Lự… 

Ông Sùng A Hồ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh có 21 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh. Tỉnh có 21 dân tộc sinh sống với núi non trùng điệp, thiên nhiên kỳ thú và truyền thống văn hóa quý báu các dân tộc. Để bảo tồn, khai thác, phát huy không gian văn hóa Lai Châu, tỉnh đang tập trung xây dựng, quảng bá thương hiệu các di tích thiên nhiên và văn hóa kiến trúc, lễ hội, chợ phiên, trang phục, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực tiêu biểu làm trọng điểm thu hút khách du lịch. Trong đó, tỉnh chú trọng việc quan tâm, tránh can thiệp sâu vào văn hóa truyền thống các dân tộc, giữ tính nguyên gốc giá trị, không hiện đại hóa, thương mại hóa bằng mọi giá. 
 
Mâm cơm ngày Tết đãi khách của người Hà Nhì. Ảnh: Quang Duy - TTXVNMâm cơm ngày Tết đãi khách của người Hà Nhì. Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Theo ông Sùng A Hồ, trong các ưu thế về văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc địa phương còn có di sản kiến trúc, trang phục cũng như những phiên chợ và lễ hội truyền thống được lưu giữ, phát huy bởi đó là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa nguyên sơ, hấp dẫn khách du lịch. Các phiên chợ mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc thiểu số với việc lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo như văn hóa giao tiếp, ứng xử, trang phục… Các lễ hội truyền thống ở Lai Châu đều mang tính chất tín ngưỡng dân gian, việc tổ chức đều do làng, bản chịu trách nhiệm nhưng không mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, chỉ mang ý nghĩa tâm linh thuần khiết. Đáng chú ý là các lễ hội truyền thống còn giữ nét nguyên sơ, chưa bị biến dạng “thương mại hóa” như nhiều nơi khác, đa phần đều do người dân tự đứng ra tổ chức như ngàn xưa. 
 
Chủ gia đình chia lộc cho con cháu sau khi cúng tổ tiên. Ảnh: Quang Duy - TTXVN
Chủ gia đình chia lộc cho con cháu sau khi cúng tổ tiên.
Ảnh: Quang Duy - TTXVN

Đơn cử như dân tộc Thái có lễ hội Then Kim Pang (xã Mường So, huyện Phong Thổ) tổ chức vào 10/3 âm lịch hàng năm. Nét đặc sắc lễ hội này là các nghi lễ tâm linh có các điệu hát then (với 36 bài), múa then (36 bài) đây cũng chính là nguồn gốc của điệu múa nón, xòe Thái ngày nay. Dân tộc Mông có lễ hội Grâu Taox (Dào San, Phong Thổ, thành phố Lai Châu) tổ chức ngày 10/1 Âm lịch với các màn hát, múa, trò chơi dân gian. Nếu như dân tộc Dao có lễ hội Tủ Cải, dân tộc Lự có lễ hội Căm Mường – rước lễ vật ra rừng “thiêng” làm lễ cúng thần rừng, thần sông suối. Dân tộc Cống với lễ hội cầu mưa, dân tộc Hà Nhì có lễ hội Gạ Ma Thú… 
 
Chợ phiên cũng là dịp mọi người gặp gỡ, chuyện trò. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
Chợ phiên cũng là dịp mọi người gặp gỡ, chuyện trò.  Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN

Nhà ở truyền thống cũng là một trong những giá trị văn hóa đặc sắc nhất vùng đất nơi đây. Ngôi nhà truyền thống từng dân tộc cơ bản vẫn giữ được nét đẹp riêng của mình. Dân tộc Thái ở nhà sàn bằng gỗ; dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông ở nhà trình tường bằng đất; dân tộc Mảng, La Hủ sống cheo leo trên sườn núi với những mái nhà gỗ, vách nứa thấp… Các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, điệu múa, tiếng sáo, tiếng khèn, ngôn ngữ, nghề dệt cũng được các nghệ nhân, người già truyền lại thế hệ trẻ. Cùng với việc lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống như váy, áo, khăn bằng vải chàm có thêu hoa văn, đồng bào Lai Châu còn tự làm những vật dụng đan lát bằng tre phục vụ đời sống sinh hoạt. Các món ăn mang đậm hương vị ẩm thực đặc sắc cũng tạo nên điểm nhấn trong không gian văn hóa như: sâu đá, rêu đá, cá nướng, canh rau đắng, thịt trâu sấy… 

Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu cho biết, cùng với việc bảo tồn, phát huy không gian văn hóa truyền thống, thời gian tới, tỉnh ưu tiên hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực; có cơ chế ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cấp, ngành, địa phương về vai trò, vị trí du lịch đối với việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Với những nét nổi bật trong không gian văn hóa, một tiềm năng, ưu thế lớn nếu được bảo tồn, khai thác hợp lý, Lai Châu sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. 
Việt Hoàng 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm