Kông Chro (Gia Lai): Mùa "ăn năm uống tháng"

Kông Chro (Gia Lai): Mùa "ăn năm uống tháng"
Những bộ chiêng lạc tiếng được chỉnh âm cẩn thận chuẩn bị cho mùa lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc
Những bộ chiêng lạc tiếng được chỉnh âm cẩn thận chuẩn bị cho mùa lễ hội. Ảnh: Hoàng Ngọc


Tháng 11, 12 có lẽ đây là mùa nhàn rỗi nhất trong năm của người Bahnar ở huyện Kông Chro. Mùa màng vừa xong, lúa mới vàng ruộm phơi khắp các khoảng sân, chỉ còn lác đác vài đám lúa trổ muộn nên không ai còn bận tâm nhiều đến rẫy vườn. Người ta quây quần ở nhà, với xóm giềng. Nhịp sống vốn chậm ở làng càng trở nên nhàn nhã khi tới đâu cũng thấy bóng dáng già trẻ, gái trai tụm lại chuyện trò. Họ mừng thóc lúa vào nhà. Người bạn đường của tôi nói rằng, người Bahnar đang chuẩn bị mọi thứ cho mùa lễ hội-một mùa “ăn năm uống tháng” tưng bừng, kéo dài nữa lại đang tới gần.

Không phải mùa lễ hội nhưng đi tới đâu cũng gặp những đám cúng: cúng rẫy khi vừa thu hoạch xong, cúng làng, cúng cho con đi học… Cúng lớn, cúng nhỏ đều có rượu cần. Thậm chí nhàn rỗi mang rượu uống với nhau cũng không hiếm. Người Bahnar mời rượu không bằng lời. Họ cầm cần rượu đặt vào tay khách, ánh nhìn mời mọc. Hôm nay, ông Đinh Nhip-làng Nghe Nhỏ, thị trấn Kông Chro đãi rượu đám thanh niên đã giúp gia đình ông kiếm củi chất đầy gầm nhà sàn. Nói là đãi rượu nhưng chỉ có một ghè rượu to. Ông phấn khởi khi tình cờ có thêm những khách lạ. Ông nói nhà không thiếu rượu, rồi chỉ cho chúng tôi xem một hàng ghè xếp ngay ngắn trong nhà. “Rượu đó là để cho lễ hội sắp tới. Hôm nay uống chừng này thôi”-ông nói.

Năm nay người Bahnar được mùa lúa rẫy. Đã cuối mùa thu hoạch nên mỗi gia đình đã nhẩm tính được bao nhiêu bao lúa sẽ cất vào kho. Người ta nói rằng ở vùng này, lễ hội lớn hay không tùy thuộc vào mùa màng. Mùa màng bội thu hứa hẹn sẽ có một mùa lễ hội tưng bừng. Già Đinh Liếc-làng Nghe Nhỏ ngồi san đống lúa ra từng cái mẹt lớn tranh thủ cái nắng giữa trưa. Đã ở tuổi 90 với đôi tai điếc đặc, di chứng từ những năm tháng đi chiến đấu bị trúng bom đạn, nhưng ông còn khá minh mẫn. Ông phấn chấn khi nói về những ngày vui sắp tới: “Làng mình trước không có chiêng đâu, bị ăn cắp hết nên không ai dám mua nữa. Năm ngoái khi cán bộ văn hóa đến kiểm kê gì đó, thấy làng nào cũng có bộ chiêng chỉ mỗi làng mình không, cả làng rất xấu hổ. Mình đã vận động mọi người góp tiền mua chiêng, giờ thì cả làng có một bộ rồi. Hội hè gì cũng dùng một bộ đó thôi. Sau đó, có thêm một gia đình mua nữa,  là cả làng giờ đã có hai bộ”.
 
Người Bahnar ở Kông Chro năm nay được mùa lúa rẫy nên sẽ có lễ mừng lúa mới tưng bừng. Ảnh: Hoàng Ngọc
Người Bahnar ở Kông Chro năm nay được mùa lúa rẫy nên sẽ có lễ mừng lúa mới tưng bừng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Không khí chộn rộn trước mùa lễ hội còn bắt đầu từ việc chỉnh chiêng-thứ nhạc khí làm nên linh hồn cho lễ hội. Nghệ nhân Đinh Keo-người làng Bơ Yang (thị trấn Kông Chro) lôi đồ nghề từ trong chiếc túi vải chuẩn bị chỉnh bộ chiêng cho gia đình ông Đinh Yang Hà ở làng Nghe Nhỏ. Cứ ngỡ là việc riêng của ông với gia đình chủ chiêng, nhưng chỉ một lát sau, dân làng đã kéo đến chật ngôi nhà sàn rộng rãi, không quên mang theo những ghè rượu lớn, nhỏ. Trong lúc nghệ nhân làm công việc của mình, mọi người không ai bảo ai xếp rượu thành một dãy giữa nhà, quanh góc cột, thản nhiên nhập cuộc rượu. Chỉ mất một giờ đồng hồ, Đinh Keo đã sửa xong tiếng cho bộ chiêng được chủ nhà mới mua ở Quảng Nam về, chuẩn bị cho mùa lễ hội.

Đêm mỗi lúc một khuya, nhưng cuộc rượu như chỉ vừa bắt đầu. Men rượu làm cho con người hưng phấn, họ hát hò bằng tiếng mẹ đẻ, họ xoang ngay bên đống lửa nhỏ nơi góc bếp. Nghệ nhân Đinh Keo kể: “Sắp tới các làng đều có các lễ hội lớn, hết mừng lúa mới (quai) là đến mừng năm mới (sơ mah kơ cham), qua Tết lại đến lễ bỏ mả (mứt sa mát), lễ mừng chiến thắng (tơ nơ)… Giờ này, ngoài ủ rượu, chuẩn bị heo bò, người ta phải kiểm tra chiêng ché trong nhà. Chiêng nào sai tiếng đều phải sửa. Mình đi cơ sở (ông hiện là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy-P.V) luôn mang theo bộ đồ nghề chỉnh chiêng bên mình, phòng khi có gia đình nào đó cần mình sẽ giúp. Mấy hôm nay ngày nào mình cũng chỉnh vài bộ, có ngày nhiều tới 5-6 bộ”.

Đêm ở Kông Chro mang lại dư cảm rất lạ. Những ngôi nhà sàn im lìm trong màn đêm đặc quánh. Khí lạnh như thấm vào từng tế bào. Có tiếng rì rầm rất khẽ từ đâu đưa lại, không biết là tiếng người hay tiếng gió. Trên đường về, miên man nghĩ đến những ngày vui sắp tới của người Bahnar, những ngày say sưa quên trời đất.
Báo Gia Lai điện tử

Có thể bạn quan tâm