Không gian văn hóa Châu Mạ ở Đồng Nai Thượng

Không gian văn hóa Châu Mạ ở Đồng Nai Thượng
Cồng chiêng, nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn của người Mạ
Cồng chiêng, nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn của người Mạ

Độc đáo nghi lễ tạ ơn Yàng
Giống như các tộc người vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, người Mạ ở Đồng Nai Thượng cũng gắn bó với núi rừng đại ngàn, với quan niệm “vạn vật hữu linh”. Vì vậy, tín ngưỡng nguyên thủy của người Mạ là thờ đa thần (Yàng). Mỗi lần đến với lễ hội của người Mạ ở Đồng Nai Thượng, với tư cách của một thực khách, chúng tôi cảm nhận được sự độc đáo trong nghi lễ tạ ơn Yàng của người Mạ nơi đây. Nghi lễ tạ ơn Yàng luôn có sự tham gia của đông đảo người dân Đồng Nai Thượng. Già làng Điểu K’Lộc, người cúng chính trong lễ tạ ơn Yàng (ngụ thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng), chia sẻ: “Từ bao đời, lễ tạ ơn các Yàng là một trong những tín ngưỡng quan trọng của người Mạ chúng tôi. Theo đó, trong đời sống tâm linh của người Mạ thì Yàng Ndu là vị thần có khả năng siêu phàm tạo dựng nên thế giới rộng lớn. Theo người xưa truyền lại, tổ tiên người Mạ chúng tôi do Yàng Ndu tạo dựng nên và giúp đỡ duy trì nòi giống cho đến nay. Yàng chỉ dẫn cho người Mạ biết làm rẫy, săn thú, dệt vải và đặt ra các tục lệ... truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Dưới Yàng Ndu là là các vị Yàng khác như Yàng Koi (thần Lúa), Yàng Brê (thần Rừng), Yàng Bơ Nơm (thần Núi),Yàng Hiu (thần Nhà), Yàng Tiơh (thần Đất), Yàng Đạh (thần Nước) và Yàng Koong Chinh (thần Chiêng)… Trong tất cả các Yàng đều có cả Yàng ông và Yàng bà. Theo tục lệ hàng năm, người Mạ đều tổ chức nhiều lễ cúng trang trọng để tạ ơn và cầu mong các Yàng sẽ luôn che chở, bảo vệ nhằm mang lại mùa màng bội thu và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng”.
Theo quan niệm của người Mạ ở Cát Tiên thì lễ cúng Yàng lớn hay nhỏ tùy thuộc vào quy mô tổ chức từ cấp độ gia đình, dòng họ, đến cả cộng đồng. Nhưng, lễ cúng Yàng được tổ chức ở quy mô cộng đồng thì thường rơi vào những năm được mùa “cúng thần được một ngàn gùi lúa” hay bị thiên tai để tạ ơn, xin lỗi và cầu mong Yàng che chở, bảo vệ cho họ. Trong lễ vật dâng lên Yàng bắt buộc phải có các con vật hiến sinh là 1 con gà và 1 con vật bốn chân (trâu, lợn, dê, thỏ…). Ngoài các con vật hiến sinh, lễ cúng Yàng của người Mạ còn có cơm lam, rau rừng, rượu cần... Ông Nguyễn Huy Cao, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cát Tiên, giải thích: “Theo quan niệm của người Mạ, vật hiến sinh cho Yàng là những thức ăn ngon nhất của con người - đó là các con vật nên phải mời Yàng ăn trước. Yàng luôn luôn hưởng những con vật tươi sống, nên trong lễ cúng phải lấy máu con vật hiến sinh dâng lên Yàng. Cùng với đó, trong lễ cúng của người Mạ còn có 2 cây nêu là tín vật kết nối giữa Yàng và con người. Cây nêu dựng giữa nhà dài, là nơi Yàng trú ngụ để uống rượu cần và hưởng thụ các sản vật trong nhà. Còn cây nêu dựng giữa sân lễ là nơi hiến tế các con vật hiến sinh tới Yàng”. 
Đối với người Mạ, Yàng vừa là biểu tượng thiêng liêng nhưng cũng gần gũi không có sự xa cách với con người. Yàng có ở mọi lúc và mọi nơi trong đời sống của họ. Cũng vì thế, khi cúng Yàng, người chủ cúng không vái lạy trang nghiêm mà thay vào đó là cuộc nói chuyện để gọi, mời Yàng về hưởng lễ vật... Tiếp đó, người chủ cúng lấy chiêng phát cho các chàng trai trong buôn làng và bài chiêng Đăn Viếp vang lên để cả buôn làng cùng hòa vào những điệu múa xoang mô phỏng các động tác hái rau, tỉa lúa... Trong khi các chàng trai, cô gái đang say sưa với điệu múa xoang thì người cúng chính sẽ mời các thực khách và những người uy tín tới bên cây nêu uống rượu cần cùng Yàng.
Những giá trị cần được bảo tồn
Trong cuộc sống của người Mạ ở Đồng Nai Thượng, cùng với lễ tạ ơn Yàng thì nhà dài, chồng chiêng và các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, đan gùi và nghề rèn là những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo rất cần được bảo tồn và phát huy. Hàng năm, khi đến mùa lễ hội, đồng bào Mạ tại 5 thôn của xã Đồng Nai Thượng lại chung tay, góp sức dựng lên 5 nhà dài để sinh hoạt và đón tiếp du khách. Nhà dài được xem là sản phẩm tiêu biểu của công xã thị tộc trong cộng đồng người Mạ xưa kia nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên tránh thiên tai, thú giữ để bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng. Ngày nay, nhà dài của người Mạ ở Đồng Nai Thượng chính là nơi sinh hoạt văn hóa và tiếp đón du khách đến với mùa lễ hội của đồng bào Mạ nơi đây.
Trải qua bao đổi thay, người Mạ ở Đồng Nai Thượng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo của mình. Cũng giống như các dân tộc thiểu số khác ở vùng đất Tây Nguyên, cuộc sống của người Mạ nơi đây luôn gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, họ còn có các nghề thủ công khác để phục vụ cuộc sống tự cung, tự cấp. Ông Lê Quang Chường, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thương, cho hay: “Hiện nay, các nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm và nghề rèn đang được người Mạ ở Đồng Nai Thượng khôi phục và phát triển. Đối với nghề dệt thổ cẩm được chị em phụ nữ lựa chọn để làm lúc nông nhàn và hiện đang có hơn 200 chị em tham gia. Riêng đối với nghề đan lát, hàng năm vào khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch khi công việc gieo trồng ngoài nương rẫy đã xong, bà con nơi đây lại bước vào mùa đan lát. Sản phẩm đan lát chủ yếu là những chiếc gùi có độ bền, độ tinh xảo và thẩm mỹ cao. Cùng với đó, nghề rèn cũng đang được bà con người Mạ trong xã dần khôi phục. Nhìn chung, tất cả các sản phẩm thủ công của người Mạ đều có ý nghĩa tâm linh và được bà con vô cùng trân trọng”.
Ông Điểu K’Bôi, một thợ rèn ở xã Đồng Nai Thượng, tâm sự: “Tôi làm nghề rèn đến nay đã được hơn 30 năm. Ngày trước, từ thời ông nội và bố tôi cũng làm nghề này. Hiện, tôi làm sản phẩm để bán và đổi lấy các mặt hàng khác của bà con trong xã. Giờ đây, nghề rèn của người Mạ vẫn còn hoạt động, nhưng quy mô đang bị thu hẹp và mai một dần. Nhiều bí quyết, kinh nghiệm tích lũy từ nhiều thế hệ đang dần bị lãng quên. Theo tôi, việc bảo tồn và phát huy nghề rèn và những nghề thủ công khác của người Mạ là rất cần thiết”.
Cùng với các nghề thủ công, thì cồng chiêng chính là bản sắc văn hóa không thể thiếu của người Mạ nơi đây. Từ khi không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là “Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại” thì loại hình văn hóa này càng là niềm tự hào của bà con. Tuy nhiên, do những mặt trái trong quá trình hội nhập đã khiến nhiều giá trị văn hóa của đồng bào DTTS nói chung đang mai một dần, trong đó có Đồng Nai Thượng. Để “giữ hồn” văn hóa của người Mạ ở Đồng Nai Thượng nói riêng và của các dân tộc Tây Nguyên nói chung mà đặc biệt là văn hóa cồng chiêng thì rất cần những hướng đi phù hợp, tinh tế và bền vững. Qua đó, nhằm tránh nguy cơ khiến không ít người bận tâm - “cồng chiêng còn mà không gian lại mất”.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm