Khai mạc Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” Bạc Liêu năm 2016

Khai mạc Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” Bạc Liêu năm 2016
Biểu diễn văn nghệ tại đêm khai mạc lễ hội. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN
Biểu diễn văn nghệ tại đêm khai mạc lễ hội. Ảnh: Huỳnh Sử - TTXVN

Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” năm 2016, diễn ra từ ngày 12/9 đến 15/9 với các hoạt động chính: Lễ dâng hương tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khai mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang”, Lễ giỗ tổ sân khấu cải lương, Bế mạc lễ hội “Dạ cổ hoài lang”. Ngoài ra, còn có một số hoạt động vui chơi, giải trí như: Hội chợ công nghiệp-thương mại tỉnh Bạc Liêu; Hội thi ẩm thực; Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau mở rộng; Thi đối đáp bản “Dạ cổ hoài lang”, vọng cổ, ca cổ, hò, vè, thơ ca; Chương trình công diễn trao giải thưởng Liên hoan Đờn ca tài tử…

Lễ hội năm nay được tổ chức vào dịp kỷ niệm 97 năm - Ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang nhằm tôn vinh giá trị diệu kỳ của bản Dạ cổ hoài lang; là tấm lòng của người Bạc Liêu, của giới nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc tri ân các bậc tiền nhân, trong đó có cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang, người đặt nền móng cho quá trình ra đời, phát triển bản vọng cổ Bạc Liêu và sân khấu cải lương Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật độc đáo sống mãi với thời gian và không gian.

 

Năm 1997, UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định xếp hạng Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu là di tích lịch sử cấp tỉnh và lấy ngày 15/8 (âm lịch) hàng năm để kỷ niệm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”. Đến năm 2008, UBND tỉnh Bạc Liêu quyết định tổ chức Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” là lễ hội cấp tỉnh và 2 năm được tổ chức một lần vào dịp kỷ niệm bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời.

Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội "Dạ cổ hoài lang" năm 2016 cho biết, Bạc Liêu tự hào là nơi sản sinh ra bản Dạ cổ hoài lang và cũng là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam bộ, một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại…

Từng câu hò, điệu lý, từng cung bậc trữ tình của đờn ca tài tử đã thấm đậm vào đất và người Bạc Liêu, kết thành tình yêu nghệ thuật… Từ tình yêu nghệ thuật đó đã tạo nên biết bao thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân vang bóng một thời, tiêu biểu như các nghệ sĩ, nghệ nhân Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Thơm, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Cô ba Vàm Lẽo, Cô Tư Sạng, Bảo Quốc, Thanh Nguyệt, Ánh Hồng, Trọng Nguyễn… đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị làm rực rỡ thêm cho vườn hoa nghệ thuật âm nhạc cổ truyền Việt Nam, góp phần phát triển nền âm nhạc của dân tộc.

Thông qua lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kêu gọi các anh chị em trí thức, giới văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những mộ điệu nghệ thuật Đờn ca tài tử phát huy truyền thống nghệ thuật, tiếp tục thi đua lao động sáng tạo để tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, làm cho quê hương Bạc Liêu mãi mãi xứng danh là quê hương của bản Dạ cổ hoài lang, là một trong những cái nôi của phong trào đờn ca tài tử Nam bộ.

Có thể bạn quan tâm