“Hương sắc vùng cao” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 1/2018

“Hương sắc vùng cao” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong tháng 1/2018
Vào các dịp cuối tuần và lễ hội, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thu hút nhiều du khách hòa nhập với các hoạt động của đồng bào. Ảnh: Hoàng Tâm
Vào các dịp cuối tuần và lễ hội, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thu hút nhiều du khách hòa nhập với các hoạt động của đồng bào. Ảnh: Hoàng Tâm 
Các hoạt động văn hóa với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán giúp du khách thêm hiểu những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số với sự tham gia của hơn 100 đồng bào các dân tộc (Tày, Dao, Mông, Thái, Khơ mú, Tà ôi, Cơ Tu, Raglai, Ê đêKhmer) đến từ 10 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa – Thiên Huế, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng); cùng sự tham gia của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Điểm nhấn trong tháng 1 là hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản làng em” với Chương trình “Ngày xuân vang mãi câu then”. Với dân tộc Tày, "then" không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Mỗi dịp người Tày cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ… đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà. Tại không gian Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu những điệu hát then, đàn tính, hát Sli, hát lượn và các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Tày như: ném pao, đánh yến, đẩy gậy, đánh đu, leo dây, đi cầu kiều, rồng ấp trứng, nhảy sạp…

Đặc biệt, chương trình còn giới thiệu “Không gian thưởng trà truyền thống ngày xuân” từ quy trình làm chè vô cùng tỷ mỉ với nhiều công đoạn đến dụng cụ pha trà, nước dùng để pha trà, cách pha trà cùng với sự khéo léo của các nghệ nhân pha trà sẽ mang tới cho du khách một không gian ấm cúng ngày xuân. 

Du khách tham gia trò chơi dân gian của đồng bào La Chí. Ảnh: Hoàng Tâm
Du khách tham gia trò chơi dân gian của đồng bào La Chí. Ảnh: Hoàng Tâm 

Trong tháng 1, “Lễ Đâm đuống” của đồng bào dân tộc Mường sẽ được tái hiện. Đây là hình thức giã gạo có tính nghệ thuật và có tính tổ chức thường được diễn ra vào buổi sáng sớm đầu năm.

Ngoài ra, để chào đón mùa xuân năm mới, tại không gian nhà của đồng bào các dân tộc tại Làng, đồng bào cùng nhau trang trí theo đúng phong tục ngày tết của dân tộc mình giúp du khách có điều kiện thưởng thức, hòa nhập và ghi lại những hình ảnh đẹp đặc trưng của tết ở nhiều vùng miền trên khắp cả nước.

Trong các dịp cuối tuần, tại Làng đều diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật như Chương trình “Vui xuân trẩy hội” của Nhà hát Chèo Việt Nam; Chương trình “Sắc xuân vùng cao” của sinh viên Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Chương trình Rối cạn “Đón mừng xuân mới” của Nhà hát múa rối Việt Nam…và các trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian, chương trình du lịch Homestay nhằm tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động trên góp phần bảo tồn, phát huy quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tăng cường giao lưu, đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ cùng phát triển nhân dịp đầu năm mới 2018.                                                                                                                                                                                     Hoàng Tâm

Có thể bạn quan tâm