Huế: Phát triển bền vững du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Huế: Phát triển bền vững du lịch gắn với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Các tham luận được trình bày tại hội thảo tập trung làm rõ: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp; định hướng phát triển du lịch bền vững và các giải pháp hỗ trợ của tỉnh Thừa Thiên - Huế; vai trò của thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong việc bảo tồn động vật hoang dã hướng đến phát triển bền vững... 

Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN
Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hội thảo rất ý nghĩa và cần thiết cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch tại địa phương. Ngoài mục tiêu phát triển mạnh mẽ du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định phát triển du lịch trên địa bàn phải đảm bảo tính bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đảm bảo về an ninh, chính trị, an toàn xã hội. 

Là một địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên - Huế được xem là một trung tâm văn hóa, du lịch lớn của miền Trung và cả nước. Tỉnh có nhiều điều kiện đặc thù về địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Do vậy, phát triển bền vững luôn là vấn đề được quan tâm trên nhiều phương diện và trong từng lĩnh vực, với từng giai đoạn khác nhau; đặc biệt là với hệ thống di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa nhân loại (vật thể, phi vật thể). Đây cũng là địa phương có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú với đầy đủ các dạng địa hình núi, gò đồi, đồng bằng, đầm phá và biển, có thành phố Festival - Huế. Do vậy, việc phát triển du lịch bền vững ở Thừa Thiên - Huế càng được đầu tư phát triển. 

Giai đoạn 2017 - 2020, Thừa Thiên - Huế phát triển đồng bộ, bền vững, chất lượng cao và chuyên nghiệp; xứng tầm là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực. Tỉnh tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, tạo điểm nhấn và có sức ảnh hưởng lớn đối với du lịch toàn tỉnh, tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư. Đồng thời, tỉnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, chú trọng các sản phẩm du lịch văn hóa - di sản, xây dựng sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao. 

Bên cạnh tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ chủ lực như văn hóa di sản, phát triển các loại hình sản phẩm mới dựa trên tiềm năng thế mạnh của địa phương, Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng phù hợp với thực tế, tập trung ở các trung tâm du lịch đầu mối. Tỉnh sẽ hoàn chỉnh kế hoạch marketing giai đoạn 2017 - 2020 trên cơ sở chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, hoàn thiện môi trường du lịch và cải cách, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch dịch vụ. 

Đáng chú ý, từ ngày 10 - 13/12/2017, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đón Đoàn Famtrip Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát tuyến điểm du lịch Thừa Thiên - Huế. Đây là hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Thừa Thiên - Huế, nhằm kết nối xây dựng sản phẩm du lịch giữa các địa phương Thừa Thiên - Huế - Hà Nội - Hồ Chí Minh. Một số chương trình, tuyến điểm du lịch mới sẽ đưa vào khai thác trong năm 2018 như: Tham quan và khảo sát tại khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân; tham quan du lịch sinh thái cộng đồng tại Thủy Biều - phá Tam Giang, Vườn quốc gia Bạch Mã; chương trình tham quan Lăng Cô - Đảo Ngọc, xem biểu diễn áo dài và thưởng thức ẩm thực Huế. 

Năm 2017, Thừa Thiên - Huế đón 3,78 triệu lượt khách, tăng 16% so với năm trước, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 3.800 tỷ đồng.
 
Quốc Việt 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm