Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ:

Hơn 1.700 vận động viên tham dự Giải đua ghe ngo

Hơn 1.700 vận động viên tham dự Giải đua ghe ngo
Tham dự giải có 23 đội, với hơn 1.700 vận động viên tranh tài đến từ 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam bộ. Trong 23 đội dự thi có 13 đội ghe nam và 10 đội ghe nữ, thi đấu ở các nội dung: Bơi 1.000m và 1.200m (đối với đội ghe nam); 600m và 800m (đối với đội ghe nữ). 
Quang cảnh cuộc đua trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (Phước Long, Bạc Liêu). Ảnh: Thanh Cường
Quang cảnh cuộc đua trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (Phước Long, Bạc Liêu). Ảnh: Thanh Cường

Mỗi chiếc ghe ngo của đồng bào Khmer trung bình dài khoảng 30 mét, sức chứa từ 60 - 100 người. Đối với đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh.

Ghe ngo được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, hiện thân của tính đoàn kết và sức mạnh cộng đồng tộc người Khmer. Do đó, mỗi khi có cuộc đua ghe ngo, đồng bào Khmer không phân biệt tuổi tác, giới tính đều thể hiện sự trân trọng, cùng góp sức tranh tài tại cuộc đua. 


Trưởng đoàn thể thao tỉnh Kiên Giang Trần Nguyễn Bá cho biết, đoàn thể thao Kiên Giang đã tuyển chọn 4 đội ghe ngo xuất sắc nhất để tham dự giải đấu này. 

Theo chị Lý Kim Tuyền, thành viên đội ghe ngo nữ tỉnh Hậu Giang, đua ghe ngo là môn thể thao truyền thống được yêu thích của đồng bào Khmer. Mỗi khi các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội thi, đội ghe ngo tỉnh Hậu Giang lên kế hoạch tập luyện và sẵn sàng tham dự. 

Giải thu hút 23 đội, với hơn 1.700 vận động viên tranh tài đến từ 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam bộ. Ảnh: Thanh Cường
Giải thu hút 23 đội, với hơn 1.700 vận động viên tranh tài đến từ 12 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam bộ. Ảnh: Thanh Cường

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII Vương Phương Nam khẳng định, Giải đua ghe ngo của đồng bào Khmer góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc.

Đây cũng là dịp để Bạc Liêu giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, tiềm năng cùng thế mạnh văn hóa, thể thao, du lịch của địa phương với bạn bè trong nước và quốc tế./. 
Nhật Bình 

Có thể bạn quan tâm