Hoa văn trong trang phục người Xá Phó

Hoa văn trong trang phục người Xá Phó
Bộ trang phục của thiếu nữ dân tộc Xá Phó được hình thành rất đặc biệt, là sự kết hợp giữa chiếc áo ngắn hở lưng chui đầu, cổ khoét hình vuông và chân váy dài. Đó chính là nét độc đáo trong lối tạo dáng và thẩm mỹ, khó lẫn lộn với bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng người Việt.


Phụ nữ Xá Phó rất giỏi dệt vải và thêu thùa, ngay từ khi còn nhỏ các bé gái đã được mẹ và các chị chỉ dẫn cho cách thêu may, khéo léo trong từng đường kim, sợi chỉ. Dưới sự chỉ dẫn thấu đáo đó mà tất cả những kinh nghiệm dệt và thêu các loại hoa văn từ dễ đến khó đều được phụ nữ Xá Phó Anắm bắt thành thục trước khi lập gia đình. Khi các dịp lễ hội đến phụ nữ Xá phó lại có dịp được phô diễn những bộ trang phục do chính mình thêu dệt lấy.

Áo Xá Phó bền mà đẹp

Trang phục của người Xá Phó không chỉ có độ bền cao mà còn mang nhiều giá trị thẩm mỹ. Áo váy của họ làm bằng vải bông, được ghép ngang từng khúc, mỗi khúc là một kiểu họa tiết với cách pha màu khác nhau. Trên thân áo có đính các dải hạt cườm, một chất liệu không thể thiếu được của người Xá Phó, cùng với đó là nhiều nét văn hóa độc đáo mang giá trị thẩm mỹ cao. Những hoa văn này được phân bố khá đồng đều ở cả váy và áo. Hoa văn chủ yếu mang gam màu đỏ, trắng và xanh nổi bật trên nền chàm. Đối với chiếc áo (tiếng Xá Phó là KhợToLo), hoa văn tập trung trang trí ở 2 cánh tay và trước ngực. Trước ngực được đính mười hàng hạt cườm (gọi là am ché) dọc theo thân áo, xung quanh cũng là những hoa văn hạt cườm được đính theo hình hoa thị. Hạt cườm được khâu vào áo của người Xá Phó rất cầu kỳ bởi được xỏ bằng tơ của cây giang nên có độ bền rất cao (lỗ của hạt cườm rất nhỏ không xâu được bằng kim), tiếp đó là các hoa văn a nơ mạ (màu da con trăn) hay nhờng ga mạ (đường trâu đi), ở giữa là những hoa văn hình tam giác hay hình thoi có màu trắng, xanh, đỏ. Đường viền xung quanh (nhạc kờ té) được phụ nữ Xá Phó thêu rất cầu kỳ, tượng trưng cho rễ của cây đa (nhu mạ). Hai bên cánh tay có nhiều loại hoa văn khác nhau, là những sọc ngang tay áo, chạy dọc theo ống tay được thêu nổi trên nền áo chàm đen với sự phối màu hài hòa. Viền tay được thêu theo hình tượng chân của con thạch thùng, của chim cá dưới nước. Đây là những hoa văn người Xá Phó mượn của một tộc người khác nên chỉ có tên gọi chung là hoa văn Dao.

Váy Xá Phó gần gũi mà nhiều ý nghĩa
 
Váy Xá Phó (gọi là Họ) được thiết kế hơi có độ xoè ở phía dưới để người mặc có thể dễ dàng di chuyển khi bước đi hay làm việc. 

 


Trên nền chiếc váy chàm màu xanh đen, hoa văn được tách ra làm 2 khối rõ rệt. Trên đầu váy thường là hoa văn đồi núi (di a mơ pớ khơ phạ) và hoa văn dao đỏ, phần chân váy là mảng hoa văn dày đẹp với các tên gọi như hi po kho (tức dòng nước chảy), nhờng ga mạ (là đường trâu đi) hay a giá (tức con sâu róm) và hoa văn hình cây thông có màu trắng được thêu trang trí ngay bên trên. Những hoa văn này là hình tượng rất đỗi gần gũi, quen thuộc với môi trường sống và sinh hoạt hàng ngày những con người nơi đây. Vì áo của người Xá Phó ngắn, không che kín cạp váy nên có thêm giải thắt ngoài cạp, gọi là Di hị (tức dây lưng). Dây lưng được dệt bằng vải bông và nhuộm màu xanh. 



Ở trang phục truyền thống của phụ nữ Xá Phó, ngoài váy và áo còn có chiếc khăn quấn đầu đi kèm với một dải hoa văn trang trí rời. Khăn quấn đầu của người Xá Phó thường là khăn nhuộm chàm đen. Dải trang trí rời được thêu nhiều hình hoa văn với đa dạng sắc màu và được quấn bên ngoài chiếc khăn vấn, góp phần điểm tô thêm nét đẹp tinh tế và độc đáo cho bộ trang phục của người Xá Phó.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm