Hát chèo đường - nét độc đáo của ngư dân trên Vịnh Hạ Long

Hát chèo đường - nét độc đáo của ngư dân trên Vịnh Hạ Long
Đây là nét sinh hoạt văn hoá tinh thần độc đáo, thể hiện nét đặc sắc riêng của ngư dân vùng biển Hạ Long, thường gặp nhất trong các dịp lễ hội, cưới hỏi v.v.. Không gian diễn xướng của cuộc hát rất rộng mở thường diễn ra trên biển, giữa các thuyền với nhau. Bởi vậy, đây là lối hát có tính chất mềm mại, chậm rãi pha chút mênh mang, trữ tình. Lời ca có nội dung phong phú, chứa đựng nhiều tri thức dân gian, phong tục tập quán và lễ hội của cư dân sông nước. Sắc thái biểu cảm của lời ca cũng đa dạng với nhiều cung bậc của cảm xúc khác nhau.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tống Khắc Hài, ở Vịnh Hạ Long, ngư dân cứ nối đời sống lênh đênh, phải tản ra để kiếm ăn, mỗi con thuyền là một ngôi nhà, là một không gian sống tách biệt. Trong cuộc sống lênh đênh ấy, tiếng hát với họ như một phương cách khẳng định sự tồn tại và thể hiện giao lưu của mình. Nói một cách hình ảnh thì lời ca tiếng hát đã kéo những con thuyền xích lại gần nhau. Thuyền này hát gọi, thuyền kia trả lời. Có khi chỉ cùng một luồng lạch khi đi hành nghề, vừa chèo vừa hát. Phải chăng vì thế mà có tên hát chèo đường?

Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Hưu hoài niệm về một thời trai trẻ say sưa đi hát.
Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Hưu hoài niệm về một thời trai trẻ say sưa đi hát.

Cụ Nguyễn Văn Hưu (93 tuổi, ở khu tái định cư cho làng chài, phường Hà Phong, TP Hạ Long), người nắm giữ rất nhiều câu hát chèo đường trên Vịnh kể cho chúng tôi nghe trình tự của một cuộc hát. Thông thường một cuộc hát lúc đầu chỉ là từ hai con thuyền, sau xúm lại thành từng nhóm thuyền bên nam, bên nữ hát thăm hỏi, ngỏ lời trao duyên, rồi thử tài, thử tình. Có những cuộc hát mê say kéo dài đến tàn trăng, tàn đêm chưa muốn dứt. Mở đầu cuộc hát bao giờ cũng là những lời chào hỏi, lời lẽ khiêm nhường, có phần nhún mình. Tiếp đến là những lời dò hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh của bạn hát, chủ yếu là tìm được những người thật lòng mong kết bạn tình. Những câu hát dò hỏi này muôn màu muôn vẻ, từ xa đến gần, từ gần đến xa. Sau đó, đôi bên phải trải qua một cuộc hát thử tài bằng những bài hát đố, hát giảng, đủ các kiến thức trên trời dưới biển, từ thiên văn, địa lý đến vạn vật, đến sách vở, điển tích. Sau phần hát thử tài với hàng loạt bài hát đố, hát giảng, trai gái mới thật sự xích lại gần nhau. Khi đã cầm được bàn tay, đôi bên thường trao gửi khăn, nón để giữ lại những gì gần gũi, thân thiết nhất của người yêu. Kết thúc cuộc hát đối là phần hát chia tay, hát giã bạn ra về… chan chứa tình yêu. Cũng có khi cuộc chia tay đầy tiếc nuối bởi vì nhiều lẽ, họ chẳng thể nên vợ nên chồng.

Về thể loại của hát chèo đường, có nhiều cách gọi tên như: Hát ví, hát véo, có người lại gọi là hát gái bởi nội dung quan trọng nhất là tìm bạn gái để giao duyên. Còn có người gọi hát đố và hát giảng. Có người lại gọi là hò biển bởi mở đầu các câu hát là tiếng “ơ hò”. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài hò biển trên Vịnh Hạ Long chậm rãi, mênh mang, tha thiết gợi cảnh, gợi tình, đúng là tiếng hò của tình yêu đôi lứa chứ không mạnh mẽ như hò sông nước ở vùng biển miền Trung.

Hát chèo đường giúp dân vạn chài trên Vịnh Hạ Long làm quen nhau rồi thân thiết yêu thương nên vợ thành chồng. Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Tống Khắc Hài cho biết, ông đã tìm thấy những gia đình ba đời nối tiếp, ông bà, cha mẹ, con cái đều vui vẻ kể lại những kỷ niệm đi hát. Chính vì vậy, dù có gọi là hát chèo đường, hát đối, hát giao duyên, hát đố, hát giảng, hát ví, hát véo hay hò biển thì vẫn là loại hình dân ca giao duyên độc đáo trên Vịnh Hạ Long.

Về giải pháp khơi dậy, giữ gìn và bảo tồn loại hình dân ca này, cụ Hưu mong muốn thành lập ở khu tái định cư làng chài Hà Phong một nhóm hát, sau sẽ hình thành một câu lạc bộ, mở các lớp tập huấn hát dân ca cho con em làng chài, ghi chép lưu giữ lại những câu hát. Cụ bảo giờ cụ đã già yếu rồi nhiều lúc muốn lắm nhưng “lực bất tòng tâm”, đành phải trông chờ cả vào các cơ quan chức năng và ngành văn hoá.
Theo baoquangninh.com.vn

Có thể bạn quan tâm