Hà Nam: Tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo tồn di tích

Hà Nam: Tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo tồn di tích
Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Lê Xuân Huy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 9/2018, ngành Văn hóa đã tiến hành tổng kiểm kê toàn bộ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Trong tổng số 1.784 di tích trên địa bàn tỉnh, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 82 di tích cấp quốc gia và 101 di tích cấp tỉnh. Công tác xếp hạng các di tích lịch sử văn hóa được triển khai theo kế hoạch hằng năm, mỗi năm làm hồ sơ khoa học xếp hạng đối với 3 - 4 di tích cấp quốc gia, 6 - 7 di tích cấp tỉnh. Công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích được tỉnh thực hiện thường xuyên. Bên cạnh việc Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo tồn di tích, hằng năm, Hà Nam đã huy động từ 20 - 30 tỷ đồng do nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp để tu bổ, tôn tạo di tích. Nhờ vậy, gần 80 di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo; trong đó có 11 di tích được đầu tư tu bổ lớn, gồm: Chùa Long Đọi Sơn, từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đình Đồng Du Trung, đền Trần Thương, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi, đình An Hòa, chùa Quế Lâm, đền Trúc, chùa Bà Đanh. UBND tỉnh đã quan tâm phê duyệt Đề án bảo tồn các di tích cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, mỗi năm tu bổ 10 di tích, mỗi di tích được đầu tư kinh phí tu bổ từ 300 - 500 triệu đồng.
 
Nhà tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện vừa được khánh thành vào ngày 10/10/2018 bằng nguồn ngân sách. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Nhà tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện vừa được khánh thành vào ngày 10/10/2018 bằng nguồn ngân sách. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Cũng theo ông Lê Xuân Huy, hiện các di tích chưa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh đều đã được kiểm kê; địa phương trước khi tiến hành trùng tu, sửa chữa di tích đều xin phép các cấp quản lý. Các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại các di tích, hoặc cá nhân hay tổ chức lưu giữ đều được bảo quản, lưu giữ đúng nguyên tắc.
 
Trận địa pháo phòng không Lam Hạ - Di tích lịch sử Quốc gia. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Trận địa pháo phòng không Lam Hạ - Di tích lịch sử Quốc gia.
Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Hà Nam: Tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo tồn di tích ảnh 4
 Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Tỉnh Hà Nam. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Chùa Bầu - Thiên Tử Bảo di tích lịch sử cấp tỉnh được tùng tru xây dựng lại từ năm 2008. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN
Chùa Bầu - Thiên Tử Bảo di tích lịch sử cấp tỉnh được tùng tru xây dựng lại từ năm 2008. Ảnh: Đại Nghĩa - TTXVN

Tuy nhiên, tỉnh Hà Nam hiện có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa đã xuống cấp một cách nghiêm trọng. Đình làng Ngò xã Đức Lý, huyện Lý Nhân là một ví dụ. Với lịch sử hàng trăm năm, hiện nay, những chiếc cột của đình đã bị mọt ăn mòn, trống rỗng, mái ngói cong vênh, xô lệch, tất cả đều có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Mặc dù là di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 2001 nhưng đến nay ngôi đình này vẫn chưa được quan tâm bảo tồn một cách xứng đáng với giá trị của di tích.

Tại hội nghị tập huấn về công tác bảo tồn di tích được tổ chức vào giữa tháng 10/2018 tại tỉnh Hà Nam, Tiến sỹ Nguyễn Minh Khang, Phó Trưởng Phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết: Công tác bảo tồn các di tích gặp những khó khăn nhất định do ngân sách nhà nước cấp cho công tác bảo tồn hạn hẹp. Nhiều địa phương dù đã chủ động nguồn xã hội hóa nhưng do thiếu đội ngũ cán bộ giám sát, thi công chuyên nghiệp trong công tác quản lý di tích dẫn tới một số di tích chưa bảo đảm chất lượng, thậm chí bị xâm hại nghiêm trọng.

Để công tác bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa được bền vững, ngành Văn hóa cần sớm xây dựng kế hoạch nghiên cứu khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đối với từng di tích. Đồng thời, các địa phương sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân nhằm từng bước tu bổ, tôn tạo các di tích, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Đại Nghĩa
TTXVN

Có thể bạn quan tâm