Giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của người Mông

Giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của người Mông
Thiếu nữ Mông ở xã Suối Bu thu hoạch chè. Ảnh: Phan Ngọc Đức- TTXVN
Thiếu nữ Mông ở xã Suối Bu thu hoạch chè. Ảnh: Phan Ngọc Đức- TTXVN

Hơn 30 năm định cư tại Khuổi Khít, cuộc sống của hơn 50 hộ đồng bào người Mông ở đây đã dần đi vào ổn định. Khắc hẳn với con đường đất và những dòng suối khó đi, Khuổi Khít là một màu xanh bạt ngàn của những rừng keo, nương ngô xanh tốt. Bà con trong thôn có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động văn hóa văn nghệ. 

Anh Sùng Seo Mần, Trưởng thôn Khuổi Khít cho biết, đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Mông rất phong phú và đa dạng. Người Mông có những câu truyện cổ tích về dân tộc mình hay những bài ca dao, dân ca về quê hương đất nước. Trong đời sống văn hóa của người Mông, khèn là một nhạc cụ không thể thiếu. Đặc biệt, đã là con trai Mông ai cũng phải biết dùng khèn và múa khèn.

Đưa chúng tôi đến dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ múa hát khèn Mông thôn Khuổi Khít, anh Mần cho hay, Câu lạc bộ hát múa khèn Mông thôn anh hiện đang là một trong số ít câu lạc bộ về văn hóa dân tộc Mông có tiếng ở tỉnh Tuyên Quang.

Chia sẻ về lý do thành lập, chị Vàng Thị Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khèn Mông nói: "Mỗi khi thấy các dân tộc khác họ hát bài hát, múa điệu múa dân tộc họ, mình thích lắm. Nghĩ đến những điệu múa hát dân tộc mình đang dần bị quên lãng, nên mình quyết định thành lập nên một câu lạc bộ với mục đích là sưu tầm, luyện tập và biểu diễn những bài hát, điệu múa của người Mông". 

Ban đầu chỉ là một đội văn nghệ 4 người, tập những điệu múa đơn giản, đến nay Câu lạc bộ khèn Mông đã có 10 thành viên, 8 người múa chính và 2 người sưu tầm, học và dạy múa hát. Thành viên Câu lạc bộ chủ yếu là những người trẻ tuổi nhưng ai cũng nhiệt tình và tâm huyết. Câu lạc bộ hoạt động ổn định là nhờ bà con tự nguyện đóng góp mua đạo cụ, làm trang phục.

Tham gia Câu lạc bộ, các thành viên không chỉ tập múa khèn mà còn múa những điệu truyền thống khác như múa Sênh tiền, múa ô, đàn môi và hát những làn điệu dân ca Mông. 

Chị Vàng Thị Trang, thành viên Câu lạc bộ chia sẻ, khi còn là một đứa trẻ nằm trên lưng mẹ theo mẹ lên nương, chị nghe mẹ hát, đến khi trở thành thiếu nữ, chị lại cùng bạn bè hát. Chị đến với Câu lạc bộ là muốn góp sức mình để những làn điệu hát múa của người Mông không bị mai một. 

Để những điệu múa, bài hát đảm bảo tính chính xác, Câu lạc bộ đã mời thêm những “cố vấn” cùng tham gia. Họ là người cao tuổi trong thôn, hiểu rõ nét văn hóa cổ của dân tộc Mông, họ thường truyền lại những bài hát cổ và chỉ dạy những động tác múa chưa đúng cho các thành viên Câu lạc bộ.

Bà Lầu Thị Ly cho biết: "Năm nay, đã 70 cái xuân xanh nhưng bà vẫn rất mê tiếng sáo, điệu khèn của trai gái Mông. Ngày bà còn trẻ, bà hát múa nhiều lắm, nhất là dịp Tết đến Xuân về. Giờ thôn đã thành lập được câu lạc bộ bà rất vui, bởi lớp trẻ đã biết giữ gìn văn hóa của mình. Bây giờ mình biết cái gì thì mình dạy con cháu cái đó". 

Theo em Lầu Thị Mỷ, sinh năm 1993, thành viên trẻ nhất của Câu lạc bộ, em được các anh chị, cô chú trong Câu lạc bộ hướng dẫn tận tình những điệu múa truyền thống. Đây sẽ là cơ hội để những người trẻ như em gìn giữ, bảo tồn truyền thống của dân tộc mình. Mỷ cũng rất vui vì hiện nay, Câu lạc bộ thường xuyên được mời đi giao lưu, biểu diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Chia tay, Mỷ còn hát tặng chúng tôi câu hát: “Dlei ndhws taug dlei ndhws/Av ndhws tsi taug av nogob” (Tạm dịch: Con suối chảy là con suối chảy/Còn đất không chảy, đất khô, đất để ở).

Có thể thấy rằng việc thành lập những Câu lạc bộ dân gian như Câu lạc bộ khèn Mông ở Khuổi Khít đã và đang góp phần tích cực vào việc giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm