Giữ gìn điệu Then nơi B'Lá

Giữ gìn điệu Then nơi B'Lá
Một buổi hát Then, đàn Tính ở thôn B’Lá. Ảnh: Phan Nhân
Một buổi hát Then, đàn Tính ở thôn B’Lá. Ảnh: Phan Nhân
Vừa chỉnh dây cây đàn Tính trong tay, Chủ tịch UBND xã B’ Lá Lâm Viết Cống say sưa nói về loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình: “Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng với quá trình vào định cư, làm ăn sinh sống tại miền đất mới; hát Then, đàn Tính - nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng cũng từ đó được lan truyền và phát triển ở miền Nam Tây Nguyên. Trải qua thời gian, cùng với nhịp cồng chiêng của đồng bào các dân tộc gốc Tây Nguyên, hát Then, đàn Tính đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của bà con B’Lá hiện nay”.

Nếu như điệu Aria là niềm tự hào của người Chu Ru, tiếng cồng chiêng như sức sống của người Cờ Ho thì hát Then, đàn Tính là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con người Tày, Nùng. Bà con thích nghe, thích xem và thích tham gia. Ở B’ Lá, hát Then, đàn Tính được người dân sử dụng trong các dịp lễ, hội, sinh hoạt cộng đồng hoặc các cuộc thi hát dân ca ở khu vực xã, huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt cứ vào ngày mồng 3 - 4 Tết âm lịch, bà con người Tày, Nùng nơi đây lại tổ chức lễ hội Lồng Tồng (có nghĩa là xuống đồng) với nhiều nghi thức và thành phần lễ hội sinh động. Đó là dịp để điệu then, tiếng đàn tính lại nồng nàn trong trời đất Tây Nguyên.
Tuy nhiên, cũng là tình trạng chung của nhiều loại hình văn hóa dân gian hiện nay, hát Then, đàn Tính chỉ còn là tình yêu mãnh liệt của những người tuổi đã về chiều. Anh Lường Văn Đinh (Dân tộc Tày) - Cán bộ văn hóa xã B’ Lá, tâm sự: “Khi mới vào lập nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; bà con quanh năm tất bật với ruộng nương nên hát Then, đàn Tính chỉ sống trong trái tim của người Tày, Nùng. Họ chỉ dừng lại ở việc tự đàn hát cho vui. Sau nhiều năm trôi qua giờ đây chỉ còn các nghệ nhân cao tuổi đánh được đàn Tính, thuộc nhiều bài hát Then. Con số này chỉ chiếm khoảng 10% dân số người Tày, Nùng. Còn một bộ phận người trẻ lại không đánh giá đúng tầm quan trọng của loại hình văn hóa dân gian này”.

Bởi thế, lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương xã B’Lá đã chú trọng công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã nói chung và nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng nói riêng.
Anh Lường Văn Đinh, nói thêm: “Cán bộ văn hóa xã đã cùng những người yêu hát then đi gặp từng người già để sưu tầm, ghi chép lại những bài hát then còn lưu truyền trong đồng bào để sau này còn có tài liệu sinh hoạt. Và những điệu hát cũng đỡ bị quên đi. Cứ mỗi lần có người về thăm quê hương ngoài miền núi phía Bắc, chúng tôi lại gửi mua cây đàn, bộ quần áo truyền thống… để có đủ trang phục và các dụng cụ cần thiết mặc biểu diễn trong các lễ hội, tái hiện gần đúng nhất với bản sắc của dân tộc Tày, Nùng”…

Bên cạnh đó, để duy trì việc tập luyện thường xuyên và phổ biến hát Then, đàn Tính trong nhân dân, Hội Phụ nữ xã đang hướng đến thành lập câu lạc bộ hát Then, đàn Tính cho chị em. Chị Hoàng Thị Hà (Dân tộc Tày) - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cho biết: “Trước mắt, để đưa hát Then được phát triển rộng rãi và trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của nhân dân, chính quyền địa phương nhất là Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi và Đoàn Thanh niên của xã luôn cố gắng đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát Then vừa tạo không khí hứng khởi trong lao động sản xuất vừa tạo hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh, đồng thời giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Hội Phụ nữ luôn cổ vũ và tạo điều kiện cho thành viên câu lạc bộ tham gia các chương trình tập huấn, hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ ở các cấp để nâng cao trình độ, khả năng của các thành viên; đồng thời tham gia các lễ hội Lồng Tồng được tổ chức tại các xã, huyện lân cận”.

Chị Hà còn phấn khởi kể với chúng tôi, trong Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc được tổ chức tại thành phố Đà Lạt năm 2014, B’Lá cũng có thành viên tham gia biểu diễn. Rồi cứ mỗi độ xuân về, nhân dân gần xa lại nô nức về với B’Lá để được nghe làn điệu Then và tiếng đàn Tính mượt mà, tha thiết; cùng chúc nhau những lời tốt đẹp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và cùng nhau thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà của người Tày, Nùng. Và gần đây nhất, vào dịp đầu xuân năm 2016, Hội trại truyền thống các dân tộc lần đầu tiên được tổ chức tại B’ Lá cũng đã tề tựu những người Tày, Nùng hát Then, đàn Tính từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Gia Lai, Đăk Nông... tạo thành đợt sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc.

Những tâm huyết và nỗ lực của chính quyền địa phương và cả những người dân nơi đây đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển làn điệu Then, tiếng đàn Tính vang mãi trên miền đất Nam Tây Nguyên.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm