Giao lưu nghệ thuật Đại lễ Vu lan “Đạo hiếu và dân tộc”

Giao lưu nghệ thuật Đại lễ Vu lan “Đạo hiếu và dân tộc”
Các đại biểu tham dự trại chương trình. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Các đại biểu tham dự trại chương trình. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tham dự chương trình có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, nhiều bộ, ngành và các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tăng, Ni, Phật tử. 

Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức chương trình, rằm tháng Bảy về, Vu lan – mùa báo hiếu như một tiếng chuông vang vọng thức tỉnh lòng người quay về với cội nguồn tổ tiên, khơi gợi truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”. Vu lan chính là sự kế thừa và phát triển của đạo lý đó. Vu lan được xem là ngày về cội nguồn, là dịp để truy niệm nguồn gốc hiện hữu của mỗi người trên thế gian và những ân tình đã cưu mang con người tồn tại, phát triển. Báo đáp Tứ ân bắt nguồn từ “đạo hiếu”, chính là nền tảng của đạo Phật và cũng là đạo của dân tộc Việt Nam. 
 
Tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Trong văn hóa dân tộc Việt Nam, ý nghĩa hiếu đạo được xem là một di sản quý báu, một chất liệu sống tốt đẹp được mọi người trân quý và giữ gìn. Do người Việt sẵn có tinh thần yêu chuộng đạo hiếu và giá trị giải thoát nên đã tiếp nhận giáo lý Phật giáo một cách dễ dàng. Làm người ai cũng mang ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mang ơn những người có công với cộng đồng, quê hương, đất nước. Người Phật tử Việt Nam hướng về lễ hội Vu lan vào ngày rằm tháng Bảy mỗi năm là thực hiện một phương thức báo hiếu và tri ân vốn có từ lâu đời, xem đó như là một tín ngưỡng truyền thống. Đây là nét đẹp của văn hóa Phật giáo xuyên suốt chiều dài lịch sử trong nền văn hóa Việt Nam. Đạo hiếu ấy đã nhập thế, trở thành nền tảng luân lý đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc. 
 
Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao Bằng tuyên dương tấm gương Đạo hiếu 2017. Ảnh: An Đăng - TTXVN
 Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao Bằng tuyên dương tấm gương Đạo hiếu 2017. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Phát biểu tại Chương trình, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà nhìn nhận, trong lịch sử Phật giáo, thời nào Phật giáo cũng lấy đức từ bi trí tuệ, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý của mình để giáo hóa chúng sinh, làm đẹp cho đời. Khi du nhập vào Việt Nam, tư tưởng, triết lý và đạo đức Phật giáo có nhiều ảnh hưởng, tác động đến đời sống tình cảm, tín ngưỡng, cũng như phong tục, tập quán, văn hóa, lối sống của đa số người dân đất Việt. Lễ Vu lan trong truyền thống của Phật giáo từ lâu đã trở thành lễ hội lớn không chỉ của riêng những người con Phật, không còn thuần túy mang ý nghĩa tôn giáo mà đã trở thành “lễ hội văn hóa thấm đẫm tình người” phù hợp với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Mùa Vu lan về cũng là dịp để mỗi người tưởng nhớ, tri ân, báo ân với các bậc tiền nhân, với ông bà, tổ tiên, các đấng sinh thành và rộng ra là quốc gia, xã hội. 
 
Tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Tiết mục văn nghệ chào mừng. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Ông Bùi Thanh Hà cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường nêu cao tinh thần phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng giàng chư Phật. Thời gian qua, chức sắc, tín đồ Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo, thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người già neo đơn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa và nhiều hoàn cảnh khó khăn khác trong cả nước; tổ chức nhiều khóa lễ cầu quốc thái dân an, cầu siêu cho hương linh các anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân. Đây là những nghĩa cử cao đẹp, là việc làm ý nghĩa, đầy tình người, không chỉ dừng ở việc chia sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn mà còn khơi dậy trong toàn xã hội về lòng yêu thương, về tinh thần bác ái, từ bi của Đức Phật để trân trọng giá trị con người, để xây dựng cõi Niết Bàn an lạc ngay giữa cuộc đời. 

Tại buổi giao lưu, khán giả được nghe Thượng tọa Thích Minh Thông chia sẻ về động lực quyết định tiết lộ bức mật lệnh tối khẩn có số hiệu 153 của chính quyền Ngô Đình Diệm. Thượng tọa Thích Minh Thông chính là người lính truyền tin Võ Đình Tọa ngày đó, đã quyết định tiết lộ bức mật lệnh này - một công việc mà có thể phải đánh đổi bằng mạng sống của mình nếu bị phát hiện, chỉ bởi mong muốn hy sinh cá nhân, để cứu hàng ngàn người. 

Cũng tại Chương trình giao lưu, Ban Tổ chức đã tôn vinh những tấm gương đạo hiếu và tặng quà cho một số gia đình chính sách, người có công với đất nước.
Chu Thanh Vân
TTXVN

Có thể bạn quan tâm