Gia Lai phát triển câu lạc bộ cồng chiêng nữ từ thôn làng

Gia Lai phát triển câu lạc bộ cồng chiêng nữ từ thôn làng
Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, tập luyện chuẩn bị trình diễn trong Festival cồng chiêng Tây Nguyên vào đầu tháng 11 sắp tới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, tập luyện chuẩn bị trình diễn trong Festival cồng chiêng Tây Nguyên vào đầu tháng 11 sắp tới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.

Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, huyện Kbang có 30 phụ nữ người dân tộc Bahnar đều là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Câu lạc bộ được thành lập từ ý tưởng của bà Pyer, 65 tuổi, hiện là Đội trưởng Đội cồng chiêng nữ làng Leng. Bà Pyer cho biết, hồi trẻ bà rất thích đánh cồng chiêng nhưng những người già trong làng không để phụ nữ đánh cồng chiêng, vì họ cho rằng việc đó chỉ có nam giới mới làm được, nữ giới đảm nhận trách nhiệm múa xoang trong các lễ hội. Nhưng vì yêu thích, bà Pyer đã học lén từ một số thanh niên trong làng. Sau khi thấy rõ niềm đam mê của bà, già làng Zep quyết định dạy cho bà học đánh cồng chiêng. 
  
Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Leng gồm 30 chị em người dân tộc Bahnar. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Câu lạc bộ cồng chiêng nữ làng Leng gồm 30 chị em người dân tộc Bahnar
Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.

Bà Pyer biết đánh cồng chiêng và đã dạy lại cho các phụ nữ trong làng với mục đích hỗ trợ đội cồng chiêng nam trong các lễ hội. Thường trong các lễ hội làng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cồng chiêng đánh xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội nên nếu đội nam mệt đã có đội nữ đánh thay.
    
Đến năm 2016, với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kbang, Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng được thành lập. Ba mươi chị em được phân công công việc cụ thể gồm: 5 người đánh trống, 13 người phụ trách đánh cồng chiêng và 12 người múa xoang.
    
Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, tập luyện chuẩn bị trình diễn trong Festival cồng chiêng Tây Nguyên vào đầu tháng 11 sắp tới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, tập luyện chuẩn bị trình diễn trong Festival cồng chiêng Tây Nguyên vào đầu tháng 11 sắp tới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Bà Pyer (trái), Đội trưởng đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, dạy cho chị em làng Leng bài chiêng mới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
 Bà Pyer (trái), Đội trưởng đội cồng chiêng nữ làng Leng, xã Tơ Tung, dạy cho chị em làng Leng bài chiêng mới. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN.
Đánh cồng chiêng đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, để có thể mang chiêng suốt nhiều giờ khi diễn ra lễ hội. Ngoài ra, cách cảm âm hay nhịp điệu nhanh mạnh, trầm buồn đều phải được tôi luyện qua thời gian. Bên cạnh đó, tùy theo âm điệu bài chiêng mà trống và cồng phải theo tiết tấu cho phù hợp, kèm theo việc hòa quyện của điệu xoang uyển chuyển mới cho ra được một bản chiêng hoàn chỉnh. Việc này đối với nam đã khó, đối với nữ lại càng khó khăn hơn.        

Chị Đinh Thị Dao, thành viên Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng cho hay: Sau ngày làm việc miệt mài trên rẫy, về nhà lo cơm nước xong, các chị em lại quây quần bên mái nhà Rông để nhờ thanh niên trong làng tập cho điệu chiêng mới hay ôn lại những bài chiêng truyền thống như: Mừng lúa mới, Mừng nhà Rông mới… Dù bận việc nhưng chị em vẫn đến rất đúng giờ và không bỏ tập. Vì yêu thích văn hóa dân tộc Bahnar và muốn duy trì, bảo tồn và phát triển tiếng cồng chiêng trong thôn làng mà chị em rất tích cực tham gia tập luyện.
      
Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ làng Leng là Câu lạc bộ nữ đầu tiên của Gia Lai được thành lập và tham gia trình diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Câu lạc bộ đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách bởi sự mới lạ trong cách sử dụng tiết tấu cũng như phong cách trình diễn. Đây là mô hình mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mô hình này đang được các địa phương khác đến học hỏi và nhân rộng. Hiện tại, tỉnh đã phát triển được khoảng 10 câu lạc bộ cồng chiêng nữ trên địa bàn.
      
Theo bà Rơ Chăm H’Hồng,Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai, Đội cồng chiêng nữ làng Leng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chọn trình diễn cồng chiêng trong Festival Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 diễn ra vào ngày 9-11/11, tại Gia Lai. Đây được coi là điểm nhấn để đẩy mạnh phong trào bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và là dịp để phụ nữ dân tộc thiểu số tại các thôn làng có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Hồng Điệp
TTXVN

Có thể bạn quan tâm