Đồng bào S’tiêng tham gia Ngày hội văn hoá Tây Nguyên ở Hà Nội

Đồng bào S’tiêng tham gia Ngày hội văn hoá Tây Nguyên ở Hà Nội
Ngậy bùi canh thụt của người S'tiêng. Ảnh: khoahocthoidai.vn
Ngậy bùi canh thụt của người S'tiêng. Ảnh: khoahocthoidai.vn

Đặc biệt, đồng bào dân tộc S’tiêng (Bình Phước) sẽ tham gia “Ngày hội văn hóa Tây Nguyên” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Trong đó, các nghệ nhân S’tiêng sẽ trình diễn chương trình dân ca dân vũ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” với các tiết mục dân ca, dân vũ ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi vẻ đẹp của con người và mảnh đất Bình Phước. Tại đây, đồng bào cũng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương với các sản phẩm chế biến từ hạt điều, gạo, các đồ nông sản khô, đan, thủ công mỹ nghệ... 

Ban tổ chức cũng dành không gian để đồng bào giới thiệu “Lễ hội ẩm thực dân tộc S’tiêng” với những món ăn đậm chất núi rừng nhưng không kém phần “cầu kỳ” như rượu cần, canh thụt, đọt mây nướng, cơm lam… Trong không gian này, Ban tổ chức cũng tái hiện không gian giã gạo trên sóc Bom Bo; các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao bố… Trước đây, địa bàn cư trú của người S’tiêng phân bố trải dài từ vùng núi Bà Đen (Tây Ninh) đến Bà Rá (Sông Bé cũ). Ngày nay, người S’tiêng sống tập trung chủ yếu ở tỉnh Bình Phước với hơn 70.500 người, tập trung đông nhất vẫn là huyện Phước Long, Bù Đăng, đặc biệt là ở sóc Bom Bo (Bù Đăng)… 

Cũng trong tháng 11/2017, đồng bào các dân tộc hoạt động hàng ngày tại Làng thường xuyên trình diễn các tiết mục văn nghệ, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu, trong đó có múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Thái; hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường; nghệ thuật hát then, đàn tính của dân tộc Tày, các điệu múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao (Dao quần chẹt); hát Ayray và diễn tấu đinh năm của dân tộc Ê Đê; loại hình kịch rô băm, các điệu múa rom vông, lâm lêu, xaravan của dân tộc Khmer… 
Thanh Giang 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm