Đồng bào Khmer Sóc Trăng vui đón lễ Sene Dolta

Đồng bào Khmer Sóc Trăng vui đón lễ Sene Dolta
Anh Thạch Sanl, một nông dân Khmer ở xã Long Phú, huyện Long Phú phấn khởi cho biết: Năm vừa rồi, gia đình được cấp 2 con bò, năm nay có thêm 2 con bê con, căn nhà cũng mới được sửa sang lại nên rất vui. Được các cấp ngành, địa phương quan tâm, lễ Sene Dolta này, gia đình không phải lo chạy ăn từng bữa nữa!
Lễ Sene Dolta. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN
Lễ Sene Dolta. Ảnh minh họa: Duy Khương/TTXVN

Theo ông Lý Bình Cang, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng: Nhân dịp lễ Sene Dolta sắp đến, tỉnh và các cấp ngành đã tổ chức 11 đoàn đi thăm, tặng quà các chùa, các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào Khmer, các hộ gia đình chính sách, hộ Khmer nghèo... Qua đó động viên, hỗ trợ tinh thần cho bà con đón lễ Sene Dolta thêm phấn khởi, tin tưởng vào chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước…

Mặc dù thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng không ít đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của đồng bào nhưng trong 9 tháng qua, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất và đời sống; tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung và đồng bào Khmer nói riêng ở Sóc Trăng không ngừng được cải thiện, nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp quan trọng của đồng bào, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ người Khmer trong tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã kéo điện sinh hoạt cho hơn 7.000 hộ dân, trong đó có gần 2.000 hộ dân tộc Khmer; có hơn 7.000 người Khmer được giải quyết việc làm (trong đó, xuất khẩu lao động 180 người, dân tộc Khmer 75 người). Hiện nay, các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Sóc Trăng đều có Trường trung học cơ sở, 100% xã có Trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; gần 300.000 người dân tộc Khmer (chiếm 65% đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh) được cấp thẻ bảo hiểm y tế; công tác, chăm sóc sức khỏe, cải thiện đời sống người dân được quan tâm.

Cơ sở thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn được chú trọng đầu tư xây dựng. Đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có trên 97% hộ dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có điện sử dụng đạt 99,40% tổng số hộ Khmer.

Tỉnh đã tập trung giải quyết căn bản về điều kiện sản xuất cho đồng bào như tạo quỹ đất sản xuất, cải thiện điều kiện tưới tiêu, tập trung hỗ trợ giống mới, chú trọng tập huấn, đầu tư thâm canh tăng năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi… Từ đó giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 của tỉnh xuống còn 15,32% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Đạt được những kết đó là do sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng bào, các vị chức sắc, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ người Khmer, nhất là phát huy tốt vai trò của Hội đoàn kết sư sãi yêu nước và Ban quản trị các chùa trong việc vận động đồng bào phật tử Khmer chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã có đông đồng bào Khmer về điện, đường, trường, trạm… ; triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chú trọng công tác chuyển giao cho nhân dân những ứng dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân nói chung và đồng bào Khmer nói riêng. Tỉnh tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt và các chương trình khác của Trung ương để đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, giúp đồng bào sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể xã hội để giảm nghèo bền vững.../.
Trung Hiếu
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm