Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê năm 2018

Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê năm 2018
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tăng quà, chúc mừng các vị chức sắc nhân lễ hội Katê năm 2018. Ảnh: Công Thử - TTXVN
 Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tăng quà, chúc mừng các vị chức sắc nhân lễ hội Katê năm 2018. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Đổng Bạ, Cả sư chức sắc Chăm đạo Bàlamôn phấn khởi cho biết: Katê là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Đây là dịp để người Chăm thực hiện lễ nghi cúng kính, tưởng nhớ về tổ tiên, cầu mong các vị thần độ trì, tạo mưa thuận gió hòa cho đồng bào sản xuất, nhà nhà hạnh phúc, ấm no; đồng thời là dịp để đồng bào phô diễn sắc thái văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó mang đến cho người dự hội thấy được vẻ đẹp của những điệu múa; những lời ca, tiếng hát hòa với tiếng kèn saranai, tiếng trống paranưng cùng với những ngôi tháp hoang sơ, cổ kính, trang nghiêm.
 
Đồng bào Chăm ở Ninh Thuận vui đón Lễ hội Katê năm 2018 ảnh 2
Đồng bào Chăm lên tháp cúng kính vị thần Pô klong Girai nhân lễ hội Katê.
Ảnh: Công Thử - TTXVN

Lễ hội là tấm gương phản chiếu về tín ngưỡng, nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Chăm theo đạo. Bởi trong thời khắc diễn ra lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ của tất cả tinh hoa, giá trị mỹ thuật của nền văn hóa Chăm để cùng hòa quyện với nền văn hóa của 54 dân tộc anh em trong cả nước, góp phần tô đẹp thêm “vườn hoa văn hóa” của đại gia đình các dân tộc ngày càng thêm phong phú và đa dạng trong thống nhất.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào Chăm. Kết quả mang lại là diện mạo và đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi rõ nét từng ngày, hòa cùng với sự phát triển chung của đất nước.
Các tín đồ Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận dâng lễ vật cúng kính vị thần Pô klong Girai. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Các tín đồ Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận dâng lễ vật cúng kính vị thần Pô klong Girai. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được duy trì và phát triển; những di tích đền, tháp là di sản quý báu, vô giá của đồng bào được Nhà nước vinh danh, được trùng tu, bảo tồn và phát huy; công tác giáo dục, giải quyết việc làm cho con em đồng bào Chăm trong tỉnh luôn được chăm lo giải quyết chu đáo.

Trong không khí vui tươi của lễ hội, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận mong muốn các vị chức sắc, người có uy tín trong đồng bào, các tín đồ tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; có nhiều đóng góp hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ra sức thi đua, chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp.

Ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 42.600 người, sinh sống tại các địa phương của 4 huyện, thành phố trong tỉnh. Trải qua thời gian hình thành và phát triển, vào năm 2017, lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Đó là sự đóng góp của văn hóa Chăm và nền văn hóa Việt Nam; là cơ hội để văn hóa Chăm, văn hóa Ninh Thuận quảng bá hình ảnh của mình với các nước.
Công Thử
TTXVN

Có thể bạn quan tâm