Độc đáo hò khoan Lệ Thủy

Độc đáo hò khoan Lệ Thủy
Hò khoan Lệ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) có nét độc đáo ở một vùng quê chiêm trũng “Chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã úng”. Từ trong cuộc sống lao động sản xuất, hò khoan Lệ Thủy thể hiện 9 mái đã có từ xa xưa truyền nối. Đó là: Mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruổi, mái nhì, hò khơi, hò nậu xăm, hò lỉa trâu. Trong 9 làn điệu đó thì hò mái xắp là phổ biến hơn cả dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đối đáp.

Nó diễn ra chủ yếu trong làm việc, hò theo nhịp chân tay, lúc đang nhổ mạ, lúa cấy, đập lúa, rũ rơm, xay thóc, giã gạo hoặc chèo thuyền trên sông, trong lúc đua thuyền hay trong những ngày lễ hội. Phổ biến nhất là giã gạo trên sân nhà, dưới ánh trăng. Hò khoan kích thích quên đi cái mệt nhọc vất vả, quên cái đói cồn cào trong bụng “Đau rên mát, đói hát hay”.
 
CLB nghệ nhân dân ca hò khoan biểu diễn tại hội thi. Ảnh: baoquangbinh.vn
CLB nghệ nhân dân ca hò khoan biểu diễn tại hội thi. Ảnh: baoquangbinh.vn

Nét độc đáo hò khoan Lệ Thủy là một mình hò cũng được, hai người càng hay, càng đông càng tốt; ai cũng làm diễn viên, ai cũng khán giả. Nếu chỉ một mình thì vừa hò cái, vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái, nhiều người hò con thể hiện đủ mọi đề tài như: Hò thi nhau, hò trêu tức, hò đố. Hò cái trục trặc, hò con thay hò cái ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí uyển chuyển linh hoạt. Hò khoan Lệ Thủy là một loại hình sáng tác, vừa biểu diễn sáng tác khớp vào thời gian nhịp điệu, nó không có luật rõ nhưng với điều kiện phải đúng nhịp để ràng buộc.

Bên hò xướng lên một câu bất kỳ đề tài gì, càng hóc búa càng hay, bên kia phải hò đáp lại ngay nếu không nhanh trí thông minh lại thua, bị chê cười. Hò đối đáp như vậy làm cho mọi người cuốn hút, hấp dẫn tìm lời ứng xử nhanh. Đơn cử lối hò sau:

Nữ: Em hỏi anh con chi không chân nó đi khắp rừng, khắp rú.

Con chi không vú nó nuôi chín mười con.


Nam: Con rắn không chân nó đi khắp rừng khắp rú.

Con gà không vú nó nuôi chín, mười con


Nữ: Em giao anh một dải muống chiên

Anh thả xuống hồ cho tươi lại, xin kết nguyền trăm năm


Nam: Thì anh đưa em một ống tre khô

Em trồng cho mau tốt, để chẻ lạt đem qua hồ bó rau;


Cứ như vậy bên xướng, bên đáp, nếu nữ xướng nam không đáp được là thua. Nam đáp hết nữ không xướng ra được là thua.

Hò khoan Lệ Thủy là một thể loại dân gian độc đáo phản ánh mọi mặt của cuộc sống. Tình yêu trai gái, quan hệ vợ chồng, bàn bè...đến các hoạt động khác trong xã hội như: Hò chủ tớ, lính mộ, hò sản xuất, địch vận, hò thợ mộc, thợ nề, thợ may, nậu săm, lỉa trâu...Nó mang tính nhân đạo, tính chiến đấu, tính nhân văn và sự bình đẳng trong xã hội không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chủ tớ, tuổi tác, nghề nghiệp, quê quán...Nghèo mà hò hơn giàu, tớ mà hò hơn chủ càng được tôn trọng, được tán thưởng, thể hiện tính chân, thiện, mỹ trong cuộc sống con người đời thường.

Hò khoan Lệ Thủy diễn ra phong phú trong mọi lúc, mọi nơi trong những ngày lễ hội của làng, trong bơi đua thuyền truyền thống trên sông nên nhạc cụ cũng rất đơn giản. Hò ở sân đình, ở rạp thì có trống đại, trống chầu, người đi hò giao du có đôi sanh. Nơi đông người mà không có chuẩn bị trước thi đôi tay vỗ vào nhau nhịp nhàng đúng nhịp tạo ra âm thanh hấp dẫn làm nền cho câu hò vừa hay, vừa nhộn làm cho người hò, người nghe thú vị sảng khoái.

Tiếng trống, tiếng sanh hoà với tiếng vỗ tay hoặc tiếng chày giã gạo tạo ra không khí hấp dẫn. Đặc biệt hò đấu trí, hò xấc leo, hò đuổi, hò công kích truy nhau như cuộc đua tài, đua sức. Càng hò, cao trào càng lên cao nhờ vào nhạc cụ trống đại, trống chầu, đội sanh và nhịp điệu vỗ tay rộn ràng không dứt nên hò khoan Lệ Thủy là một hình thức văn nghệ dân gian độc đáo thể hiện bản sắc văn hoá nơi nó sinh ra ở một vùng quê đậm đà, sâu sắc, ngôn ngữ địa phương mộc mạc, chân chất sản sinh từ trong cuộc sống đời thường.

Hò khoan Lệ Thủy phong phú, vạn năng, đa dạng gắn liền với cuộc sống của người dân từ xưa tới nay.

Về nghệ thuật hò khoan Lệ Thủy hết sức độc đáo, sử dụng các biện pháp tu từ, hoán dụ, ẩn dụ, so sánh, nhân hoá, đồng âm, dị nghĩa, nói lái, nói léo....làm cho ngôn ngữ phong phú tinh tế cuốn hút người nghe. Nó còn độc đáo ở nhạc điệu.

Nghe hò một câu cũng hay, nghe hò nhiều câu cũng không chán. Đặc trưng của âm nhạc trong hò khoan Lệ Thủy là không có nối kết, nối kết của hò con, mở ra nốt đầu cho hò cái, nối kết của hò cái lại mở đầu cho hò con là sự chuyển tiếp thành một dây như một dãy số tuần hoàn trên trục số, không bao giờ dứt. Về nhịp điệu câu chữ trong hò khoan rất linh hoạt. Từ hai nhịp có thể kéo dài ra năm, sáu nhịp. Từ giữa câu có thể bắt lại đầu câu, một câu thơ lục bát có thể thành ra câu hò; song thất lục bát cũng hò được, nói một lối rất dài cũng hò được.

Một câu hò ngắn:

Gió đưa cành khế rung rinh

Gió đưa sao được lòng mình với ta

Mai ngày ngớt gió mưa sa

Trời xanh in rõ bóng ta bóng mình


Hoặc:

Lòng lại dặn lòng xin lòng ghi nhớ

Dạ lại dặn dạ xin chớ đổi thay

Dù ai có xuyên tạc lá bay

Hai ta vẫn chung thuỷ chớ có đổi thay mà tội trời.


Hò khoan Lệ Thuỷ được lưu truyền đời nay sang đời khác trong nhân dân như một món ăn tinh thần không thể thiếu ở một vùng quê. Về đất Lệ Thủy nếu chưa được thưởng thức giọng hò khoan, chưa được xem hội bơi đua thuyền truyền thống 2-9 hàng năm thì chưa phải là về Lệ Thủy!.
Theo baoquangbinh.vn

Có thể bạn quan tâm