Đồ gỗ sơn son thếp vàng – nét vàng son tinh hoa văn hóa Việt

Đồ gỗ sơn son thếp vàng – nét vàng son tinh hoa văn hóa Việt
Ảnh: tuoitre.vn
Ảnh: tuoitre.vn

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, để tạo không gian gần gũi, thuận tiện cho khách tham quan, trưng bày Nét vàng son – Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng được thể hiện theo dạng tổ hợp - nhóm các hiện vật liên quan trong các không gian thờ tự tôn giáo, tín ngưỡng kết hợp trưng bày theo loại hình, kiểu dáng, chức năng. Các hiện vật trưng bày theo các khu, gồm: khu trưng bày tượng thờ: Tượng Tam Thế Phật, tượng Phật A Di Đà, tượng Quan Âm, tượng Thích Ca sơ sinh, tượng tổ Bồ Đề Đạt Ma...; khu giới thiệu các hiện vật là đồ thờ như hương án, khám thờ, ngai thờ, sập thờ, bài vị, hộp đựng sắc phong, bình, lọ hoa, lỗ bộ, hoành phi câu đối… Ngoài ra, khu trưng bày cũng giới thiệu một số hình ảnh liên quan đến nghề làm đồ sơn son thếp vàng truyền thống lâu đời của một số làng nghề Việt Nam.

Với nét chạm khắc tinh xảo, sắc đỏ của sơn, ánh sáng của vàng, cùng những đề tài trang trí sinh động mang ý nghĩa tốt lành, cao quý, đồ gỗ sơn thếp được gắn với những nơi tôn nghiêm, trang trọng chốn cung đình hay nơi thờ tự và trở thành những tác phẩm nghệ thuật, những vật quý giá, linh thiêng... Đồ gỗ sơn thếp không chỉ thể hiện quan niệm nhân sinh, tư duy thẩm mỹ, bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân tiền bối, mà còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, nghệ thuật, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng... Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ: “Những hiện vật được lựa chọn đưa ra trưng bày khá phong phú và đa dạng về kiểu dáng, hoa văn trang trí với kỹ thuật chế tác riêng. Tất cả đều được chọn từ bộ sưu tập đồ sơn thếp đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ và bảo quản trong nhiều năm qua”.

Hiện nay, đồ gỗ sơn thếp còn lưu giữ tại nhiều ngôi chùa của Việt Nam. Điều đáng nói là khi có kinh phí trùng tu, sửa chữa, nhiều chùa đã tu sửa lại đồ gỗ, nhưng cách tu sửa không khoa học dẫn đến việc làm mai một các giá trị vật chất, lịch sử của các hiện vật. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề truyền thống hiện cũng đã bỏ qua một số bước trong quá trình sản xuất đồ sơn thếp so với cách chế tác truyền thống khiến sản phẩm hiện đại có nhiều điểm khác xưa. Do đó, bên cạnh mục tiêu trưng bày những nét đặc sắc, độc đáo của đồ gỗ sơn thếp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng mong muốn giới thiệu nhằm tôn vinh nghề thủ công truyền thống. Các hiện vật tham gia trưng bày đều là những hiện vật gốc, có giá trị thẩm mỹ cao. Mỗi hiện vật là một câu chuyện chứa những dấu tích vàng son một thuở, mang những thông điệp gửi gắm đến người xem về sức sống mãnh liệt của một nghề truyền thống của cha ông. Qua trưng bày, công chúng có thể hiểu thêm về đồ sơn thếp – nét tinh hoa văn hóa dân tộc, từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Ngọc Bích (TTXVN)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm