Đình Khuê Bắc lưu giữ nguyên vẹn dấu tích văn hóa của cư dân Tiền Sa Huỳnh

Đình Khuê Bắc lưu giữ nguyên vẹn dấu tích văn hóa của cư dân Tiền Sa Huỳnh
Lần khai quật này thực hiện trên diện tích 50 mét vuông, cho thấy đây là tầng văn hóa thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, chứa các dấu tích và di vật của cư dân cách đây 3.000 - 3.500 năm, gồm 2 lớp văn hóa nhỏ. Trên diện tích hố khai quật đã phát hiện được các loại hình dị vật gồm công cụ đá (rìu, bàn mài, hòn kê, hòn đập), đá nguyên liệu (màu trắng đục, vàng trắng hoặc nâu xám, xanh xám), đá nguyên liệu chế tạo đồ trang sức (màu nâu đỏ, nâu đen, nâu đỏ đen) và số lượng lớn các mảnh gốm.
 
Đình Khuê Bắc. Ảnh: internet
Đình Khuê Bắc. Ảnh: internet

Đáng chú nhất là bộ công cụ sản xuất, các công cụ đá được chế tác từ các loại đá như sa thạch (làm bàn mài), đá diệp thạch màu trắng đục hoặc màu trắng xám, đá qua-zit màu xám đen lẫn nhiều hạt mica và thạch anh hoặc tận dụng các hòn cuội nguyên màu nâu đỏ hoặc trắng xám để làm các công cụ như hào chày, hòn kê. Các loại đá ở đây có độ cứng cao, đáp ứng được nhu cầu chế tác công cụ sản xuất. Kỹ thuật chế tác (đặc biệt là loại hình rìu) được dùng các kỹ thuật ghè đẽo tạo thành dáng công cụ, mài toàn thân, mài rìa lưỡi, mài rìa cạnh tạo độ sắc bén cho công cụ...

Về giá trị lịch sử - văn hóa, đây là di chỉ cư trú, mộ táng, chế tác công cụ và đồ trang sức. So sánh kết quả 2 lần khai quật trước (năm 2001 và 2015) và kết quả khai quật năm 2017, tính chất của di chỉ khá thống nhất. Việc đánh giá giá trị của di chỉ dần khách quan và đầy đủ hơn qua các lần khai quật. Trong cả 3 lần khai quật, địa tầng của di chỉ đều thể hiện rất thống nhất là sự ổn định của lớp văn hóa cư dân Tiền Sa Huỳnh rất nguyên vẹn, đầy đủ; có chăng chỉ là sự xáo trộn ở lớp đất canh tác và lớp đất mặt do các hoạt động của cư dân tác động vào. 

Tiến sĩ Phạm Văn Triệu - Viện Khảo cổ học cho biết: Chính sự ổn định và nguyên vẹn đã tạo nên giá trị độc đáo của di chỉ do tính chất quan trọng của địa tầng; có lớp văn hóa được hình thành từ các hoạt động của con người đương thời để lại, do đó trong lớp này chứa đựng các di tích và di vật của con người thời đó. Theo tư liệu khảo cổ học hiện biết, trên dải đất miền Trung có 2 di chỉ khảo cổ học mà tầng văn hóa còn nguyên vẹn, chứa các dấu tích văn hóa của cư dân Tiền Sa Huỳnh, đó là di chỉ Bàu Trám I (địa điểm gò Bà Tham xã Tam Anh, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) và di chỉ vườn Đình Khuê Bắc (xã Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).

Về niên đại, qua nghiên cứu địa tầng hố khai quật, các di tích và di vật phát hiện được tại di chỉ đã cho thấy tầng văn hóa ở đây thuộc thời kỳ Tiền Sa Huỳnh (giai đoạn văn hóa Long Thạnh), có nhiều nét tương đồng với Bãi Ông (Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam), Long Thạnh (tỉnh Quảng Ngãi), đặc biệt là di chỉ Bàu Trám I (tỉnh Quảng Nam). Bộ di vật ở Khuê Bắc tương đồng các di vật tìm được trong lớp dưới của di chỉ Bàu Trám I (tỉnh Quảng Nam) có niên đại từ khoảng 3.000 đến 3.500 năm trước.

Di chỉ vườn Đình Khuê Bắc được khai quật 3 lần, với diện tích khoảng 250m2. Từ kết quả khai quật, nghiên cứu kiến nghị thực hiện việc xếp hạng di tích cấp thành phố, tiến tới lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp Quốc gia. Đây là địa chỉ đỏ trong việc nghiên cứu thời kỳ Tiền Sa Huỳnh, do vậy cần tiến hành xuất bản sách giới thiệu toàn bộ giá trị của di chỉ, cùng với việc trưng bày sẽ góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị lịch sử văn hoa của di chỉ.
Văn Sơn
TTXVN

Có thể bạn quan tâm