Choé trong đời sống văn hoá của đồng bào Tây Nguyên

Choé trong đời sống văn hoá của đồng bào Tây Nguyên
Choé - giá trị văn hoá của người Tây Nguyên

Đến với các buôn làng Tây Nguyên, bước lên những ngôi nhà sàn, vật mà ta nhìn thấy đầu tiên là những chiếc chóe được xếp thành hàng theo thứ tự lớn, nhỏ ngay sát vách chính diện của ngôi nhà, như muốn phô bày để thể hiện vị thế kinh tế - xã hội của gia chủ.

Chóe Tây Nguyên có rất nhiều tên gọi và mỗi dân tộc có tên gọi khác nhau: Người Mạ (Đrắp và Jăng), K’ho (Yàng), Ê Đê (Cheh), M’Nông (Jăng)... Ngoài ra, còn có những tên gọi theo đặc điểm trang trí hoặc kích cỡ của chóe như: Người Ê Đê gọi chóe có tai hình rùa là Tang krua (krua nghĩa là rùa), chóe có tai hình đầu khỉ là Ako kra (kra nghĩa là khỉ). Người K’ho lại gọi chóe lớn là Yàng, chóe trung là Jro và chóe nhỏ là Gri…
Nhóm choé của người Tây Nguyên.
Nhóm choé của người Tây Nguyên.

Mỗi dân tộc có sở thích khác nhau về các loại chóe: Người Mạ chuộng loại chóe có hoa văn khắc chìm sóng nước hoặc hình gân lá, men màu nâu đen. Khác với người Mạ, người M’Nông thường quý loại chóe có dáng thấp, tròn, men màu đen toàn thân bóng lộn. Người Ê Đê lại ưa chuộng loại chóe có men màu trắng, xanh và màu da lươn, dáng cao, to… Ngoài ra, chóe “mẹ bồng con” (trên vai có gắn 1đến 4 chóe nhỏ) cũng là một trong những loại chóe đặc biệt quý hiếm, được đồng bào Tây Nguyên rất ưa chuộng. Những chóe quý có khi phải đổi tới 30 - 40 con trâu con trâu hay 1 con voi.

Giá trị của chóe ngoài việc dựa vào màu sắc của men và số tai trên thân chóe, nó còn phụ thuộc vào chiếc chóe đó họ tin có thần linh phù hộ, vì đã được sử dụng nhiều lần đắc dụng trong các lễ thức liên quan đến mùa màng, sức khỏe và sự may mắn của gia chủ. Hoặc qua giấc mơ, người ta thường thấy thần báo mộng cần mua chiếc chóe “thiêng” hoặc không được dùng chiếc chóe nào đó, phải nhượng lại cho người khác. Bởi vậy, giá trị của chóe còn phụ thuộc vào người đáng bán và người cần mua. Có trường hợp người mua trả giá 30 con trâu, gia chủ vẫn không bán, mà lại “chọn mặt gửi vàng” nhượng cho người khác với một giá thấp hơn nhiều.
Hành trình đi tìm chóe

Người Tây Nguyên không tự sản xuất chóe. Những loại chóe có giá trị cao chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Họ trao đổi gián tiếp qua các dân tộc sống lân cận, đặc biệt là người Chăm vì ngôn ngữ của họ khá gần với các cộng đồng Tây Nguyên.
Choé - đồ dùng gắn liền với tập quán uống rượu của người Tây Nguyên.
Choé - đồ dùng gắn liền với tập quán uống rượu của người Tây Nguyên.
Già Ka Điểu Măng dân tộc Mạ ở buôn Băng kể lại: “Để có được chóe quý, không những mình phải có trâu, sừng nai, ngà voi, da báo, mật ong hoặc tấm đắp, cái quầy (váy) đẹp để đổi mà còn phải đi đến nơi người Chăm ở rất xa. Mọi người phải đi bộ theo lối mòn rất nhỏ trong rừng già. Cứ lần theo phía bề mặt vỏ cây không bị sần sùi là tìm ra nơi người Chăm ở. Mỗi lần đi đổi chóe, trong buôn làng phải rủ nhau khoảng 15- 20 người mới dám đi, ai cũng mang theo ná, lao để chống chọi với thú dữ. Có khi đang đi thì gặp đoàn người của buôn khác ở bên Đắk Lắc, họ mang theo cả voi đi để đổi chóe, đoàn của buôn mình nhập vào cùng đi với họ, đông lắm có tới 50 người…”.

Lễ tục liên quan đến chóe “thiêng”

Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chóe “thiêng” là những chiếc chóe có vị thần đang trú ngụ. Vậy nên, khi mang chóe về đến nhà, họ thường chưa đưa chóe vào nhà ngay. Gia chủ phải làm lễ cúng rước thần linh nhập “hồn” cho chóe mới. Trong nghi lễ rước thần, máu con vật hiến tế được bôi lên miệng chóe. Nghi thức này xem như là chiếc chóe đó đã có sự hiện diện của thần linh. Khi đó, chóe mới được mang vào nhà và cẩn thận đặt nơi trang trọng nhất, chỉ những dịp lễ quan trọng mới đưa ra sử dụng.

Ở Tây Nguyên, dù nhà rông hay là nhà sàn luôn luôn có một cây nêu của chóe rượu. Cây nêu chóe rượu của gia đình thường chỉ nhô lên mặt sàn chừng 1 mét, nhưng ở nhà rông thì cao vút đến tận nóc, trên cây nêu được trang trí những nét riêng của từng dân tộc. Khi uống rượu, bao giờ họ cũng buộc chóe vào cây nêu để tránh làm vỡ chóe (vì nếu vỡ sẽ bị thần linh quở phạt). Theo kinh nghiệm của những người già, choé càng cổ rượu càng ngon vì ruột những chiếc choé cổ không tráng men dễ dàng để cho men rượu bám và lên men. Vì vậy, họ càng quý.
Choé được sử dụng trong nghi lễ hiến sinh của người Mạ.
Choé được sử dụng trong nghi lễ hiến sinh của người Mạ.
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chóe không chỉ là đồ đựng đắc dụng gắn liền với tập quán uống rượu cần, mà còn là tài sản tích lũy của gia đình, là thước đo về sự giàu có và uy lực, là lễ vật dùng trong các dịp cúng tế thần linh, là vật nộp phạt với những ai vi phạm luật tục của cộng đồng, là sính lễ trong cưới hỏi, là của hồi môn cho con cái và là tài sản chia cho người quá cố.

Ngày nay, chóe không còn là vật trao đổi hàng hóa như trước, nhưng nó vẫn chiếm vị trí quan trọng trong từng gia đình và cộng đồng của các tộc người Tây Nguyên. Bất cứ lễ hội nào của họ vẫn không thể thiếu vắng những chóe rượu cần. Không những thế, rượu cần hiện nay được xem là một trong những thức uống “đặc sản” của du lịch Tây Nguyên. Đặc biệt, tại các quán cà phê hay những biệt thự cổ, thậm chí trong các ngôi nhà hiện đại… những chiếc chóe cổ được xem là đồ trang trí quý giá. Chính vì lẽ đó mà nó đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm