Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”
Giá trị nổi bật     Theo ông Nguyễn Văn Thư, Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Định, tín ngưỡng thờ Mẫu do cộng đồng sáng tạo, trao truyền, có quá trình phát triển lâu đời mà khởi thủy là tín ngưỡng thờ Nữ thần, mang yếu tố âm, đồng nghĩa với quá trình sinh sôi, nảy nở, che chở. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước với dân. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của con người.       Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu bao gồm: các lễ cúng, nghi lễ hầu đồng, hát văn và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch) và một số lễ hội khác. Các thực hành tín ngưỡng thể hiện những yếu tố văn hóa truyền thống như: trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ. Các thực hành tín ngưỡng có sức hút, thể hiện tính nhân văn, đáp ứng nhu cầu, khát vọng đời sống thường nhật của con người...      

Thực hành nghi lễ hầu đồng tại Phủ Tiên Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN
 
Thực hành nghi lễ hầu đồng tại Phủ Tiên Hương, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN
Ông Nguyễn Văn Thư khẳng định, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện rõ truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Với khoảng 70 vị thần được nhân dân ta thờ trong các điện, đền, phủ, nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử được thần thánh hóa như: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão... Khi sống họ là những người có tài, đức góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân; khi mất hiển linh là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn của dân tộc.       Tín ngưỡng này cũng cho thấy tinh thần hòa hợp dân tộc. Mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp. Người Việt tôn thờ Thánh Mẫu và các vị Thánh bản địa nhưng cũng đồng thời tôn trọng và tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hóa của một số dân tộc khác. Trong điện thờ có các vị Thánh Mẫu Thượng ngàn, các vị Quan, các Chầu, các Cô thuộc miền rừng núi, nơi cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số như: Mường, Tày, Nùng, Dao. Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thờ thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc. Ngoài ra, các hoạt động lễ hội, nghi lễ hầu đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như: trang phục, âm nhạc, múa... gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng là một phương thức lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt...      Để di sản không bị biến tướng       Theo Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chuyên môn, các địa phương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu di sản và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản. Cac cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc, đạo lý, suy tôn, phụng thờ người Mẹ của người Việt cũng như vai trò của di sản trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng.       Các địa phương tạo điều kiện cho việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng; khuyến khích các nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những điệu hát cổ, lời hát căn bản cho thế hệ trẻ; tăng cường các hình thức giáo dục giá trị và ý nghĩa của di sản trong trường học. Cùng với đó, cơ quan chức năng và các địa phương cần tôn vinh các cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di sản; thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản; ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi có tác động tiêu cực đến đời sống, cộng đồng, xã hội...     Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, để Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt không bị biến tướng, nhất là với nghi lễ hầu đồng thì cần có quy định thống nhất về trang phục hầu đồng, đồ cung tiến, vàng mã... để tránh hiện tượng lãng phí tiền của vào đồ lễ trong các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu. Các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến để các thanh đồng hiểu rõ những giá trị nhân văn cao đẹp và bản sắc văn hóa trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mà UNESCO đã ghi nhận. Các thanh đồng cần giữ phẩm chất của một tín đồ thờ Mẫu có tâm, có đức, không “phán truyền” cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng kiếm lợi, không lôi kéo và xúi giục những người khác thực hiện những hành vi mê tín dị đoan. Những trường hợp cố tình lợi dụng niềm tin vào các vị Thánh của người dân để tuyên truyền và cổ súy cho những hoạt động gây chia rẽ các thủ nhang, đồng đền, bản hội và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng phải xử lý nghiêm minh.       Nam Định là một trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu. Trên địa bàn tỉnh có các di tích tiêu biểu như: Quần thể Di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản; Phủ Quảng Cung, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên lưu giữ sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh và hàng trăm điện thờ Mẫu khác tại các địa phương trong tỉnh.   Thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003 và các quy định của UNESCO đối với di sản được ghi danh, thời gian tới, cùng với tổ chức xây dựng Đề án bảo vệ và phát huy giá trị của di sản Thực hành  tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, tỉnh Nam Định sẽ hoàn thiện và công bố quy hoạch phân khu bảo vệ và phát huy giá trị của Quần thể Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy làm cơ sở pháp lý và khoa học để bảo vệ, phát huy giá trị của di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể này. Tỉnh cũng xây dựng, ban hành quy chế phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có các di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu.   Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tham mưu với UBND tỉnh Nam Định cho phép thành lập Câu lạc bộ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Nam Định, Câu lạc bộ Chầu văn Nam Định gồm đại diện cộng đồng - chủ thể văn hóa của di sản để phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị của di sản theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các yêu cầu của UNESCO...               

Có thể bạn quan tâm