Bảo tồn văn hóa dân tộc Xê Đăng trên cao nguyên Đắk Lắk

Bảo tồn văn hóa dân tộc Xê Đăng trên cao nguyên Đắk Lắk
Người Xê Đăng cư trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều có nguồn gốc từ tỉnh Kon Tum. Trên hành trình di cư tìm kiếm vùng đất mới để sinh sống đã hình thành một cộng đồng người Xê Đăng tại buôn H’ring với bản sắc văn hóa độc đáo được bảo tồn cho đến ngày nay. 
          
Ông Anol (phải) – đội trưởng đội chiêng chia sẻ kinh nghiệm chỉnh chiêng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Ông Anol (phải) – đội trưởng đội chiêng chia sẻ kinh nghiệm chỉnh chiêng.
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Nói đến văn hóa của các dân tộc anh em trên mảnh đất Tây Nguyên phải nhắc đến không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cồng chiêng như hơi thở cuộc sống, gắn bó mật thiết với con người Tây Nguyên. Cộng đồng người Xê Đăng trên cao nguyên Đắk Lắk cũng sáng tạo ra một không gian văn hóa cồng chiêng độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc mình. 
          
Đã bước qua tuổi 77 nhưng ông Anol (buôn H’ring) vẫn là linh hồn trong đội cồng chiêng của người Xê Đăng, đôi tay ông vẫn miệt mài đánh chiêng trong các dịp lễ hội và dạy lũ trẻ trong buôn cách đánh chiêng để duy trì văn hóa của dân tộc Xê Đăng. 

Ông Anol cho biết, cộng đồng người Xê Đăng về sinh sống tại buôn H’ring từ năm 1988 đến nay. Thời gian đầu không có cồng chiêng để đánh, thiếu tiếng chiêng mọi người trong buôn như thiếu đi sinh khí của cuộc sống... Vì vậy, cộng đồng đã cử người về Kon Tum tìm mua giàn chiêng của người Xê Đăng, để thanh âm của cồng chiêng lại vang vọng khắp núi rừng, gắn kết cộng đồng người Xê Đăng tại buôn H’ring. 
         
Đội chiêng của Xê đăng của buôn H’ring tập luyện tại nhà truyền thống. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Đội chiêng của Xê đăng của buôn H’ring tập luyện tại nhà truyền thống. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Gần 30 năm chuyển về sinh sống tại buôn H’ring, dù đời sống kinh tế còn khó khăn thiếu thốn nhưng âm vang cồng chiêng vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người Xê Đăng. Hiện đội chiêng của buôn có 13 thành viên, mỗi khi rảnh rỗi, mọi người trong đội chiêng lại tập hợp về nhà cộng đồng tập luyện. Đặc biệt, vào tối thứ 5 hàng tuần, những người đánh chiêng điêu luyện như ông A Nol, ông A Blôih lại tập hợp đám trẻ trong buôn đến nhà cộng đồng để dạy đánh cồng chiêng. 
          
Ông A Blôih - Đội phó đội cồng chiêng cho biết, bao đời nay tiếng chiêng gắn liền với cuộc sống của người Xê Đăng. “Duy trì được sinh hoạt cồng chiêng trong thế hệ trẻ là duy trì được dòng chảy văn hóa của người Xê Đăng, có như vậy âm vang của cồng chiêng mới không bị mai một trong cuộc sống hiện đại”, ông  A Blôih chia sẻ. 
          
Tiết mục văn nghệ trong lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Tiết mục văn nghệ trong lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trước sức “công phá” của lối sống hiện đại, trong khi nhiều nghi lễ của các dân tộc đang dần bị mai một, hay chỉ xuất hiện trong các dịp biểu diễn mang tính phục dựng thì cộng đồng người Xê Đăng tại buôn H’ring vẫn duy trì Lễ mừng lúa mới – ngày lễ quan trọng nhất trong năm của một số dân tộc trên cao nguyên Đắk Lắk. 
          
Vào ngày 1/1 hàng năm, khi ánh mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu tiên trên mảnh đất H’ring, người Xê Đăng trong buôn lại tập hợp về nhà truyền thống, dâng lễ vật mà đồng bào tự sản xuất để cúng Giàng (thần linh), cầu cho mùa mới mưa thuận gió hòa, bà con được sung túc, đoàn kết. 

Sau phần nghi lễ, trong tiếng cồng chiêng rộn ràng, cộng đồng người Xê Đăng lại cùng nhau tận hưởng men nồng của rượu cần, mùi thơm từ cơm lúa mới và ngất ngây trong điệu múa truyền thống của dân tộc. 
          
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN Du khách thưởng thức rượu cần. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
 
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong lễ hội. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN Du khách thưởng thức rượu cần. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Du khách thưởng thức rượu cần. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Theo ông A Nit - Buôn trưởng buôn H’ring, Lễ mừng lúa mới không chỉ là dịp để bà con nhìn lại thành quả của một năm lao động sản xuất mà là nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của người Xê Đăng. Đây là thời điểm toàn bộ người Xê Đăng từ già đến trẻ cùng nhau tụ tập bên nhà truyền thống để tham gia nghi lễ, thưởng thức cồng chiêng, uống rượu cần, ăn cơm mới, cùng nhau ca múa. Lễ mừng lúa mới như sợi dây gắn kết mọi người trong cộng đồng bao đời nay và cũng là lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ trong buôn về trách nhiệm của cá nhân đối với việc duy trì, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. 
          
Người Xê Đăng tại buôn H’ring hiện vẫn giữ gìn nghề dệt vải thổ cẩm theo kiểu truyền thống. Trong các dịp lễ quan trọng của đời người và cộng đồng, nam giới phải mặc áo chui đầu, tay áo được khoét sát nách và đóng khố, nữ mặc váy quấn, tất cả đều được dệt bằng thổ cẩm. Bên cạnh nghề dệt thổ cẩm, người Xê Đăng còn là bậc thầy trong chế tạo nhạc cụ dân tộc như đàn gong, đàn bro, đàn t’rưng, đàn nhị, sáo, ống vỗ klong put, trống… cùng một số nghề thủ công như đan gùi, nong nia…. 
          
Đối với người Xê Đăng tại buôn H’ring, việc gìn giữ những di sản văn hóa của ông cha để lại là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với sự phát triển của cộng đồng. Có thể nói, văn hóa truyền thống của người Xê Đăng trên cao nguyên Đắk Lắk không chỉ là niềm tự hào của mỗi người con dân tộc Xê Đăng mà còn là một bông hoa đẹp trong vườn hoa di sản văn hóa của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. 
 
Tuấn Anh
TTXVN

Có thể bạn quan tâm