Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc tại Thành phố Hồ Chí Minh
Đó là yêu cầu được nhấn mạnh tại Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh do Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Minerva, tổ chức ngày 27/11. 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Theo Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1993, Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị là công việc quan trọng cần được tiến hành một cách nghiêm túc, thận trọng và khẩn trương. Vì vậy, UBND thành phố đã có chỉ đạo và ban hành danh mục 108 đối tượng nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị tại thành phố.

Từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc đã phối hợp với các chuyên gia của Pháp để nghiên cứu, đề xuất tiêu chí đánh giá giá trị di sản một cách khách quan, khoa học và xuất phát từ thực trạng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua khảo sát, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 1.220 biệt thự, trong đó tập trung nhiều nhất ở Quận 3 với hơn 800 biệt thự. Từ cơ sở dữ liệu thu thập được, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về các đối tượng cần nghiên cứu bảo tồn.

Hệ thống này không chỉ giúp quản lý, cập nhật, bổ sung thông tin cần bảo tồn mà còn giúp các nhà quản lý có cái nhìn một cách tổng thể về hệ thống di sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ nghiên cứu của mình, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Vào khoảng đầu thế kỷ 20 tại hai đô thị lớn là Sài Gòn và Hà Nội, trong quy hoạch của người Pháp đã xuất hiện cảnh quan biệt thự ở “khu vực phố Tây”.

Trong đó, khu hành chính (tòa thị chính, dinh thự công sở), nhà thờ, khu thương mại giải trí thượng lưu… tập hợp thành trung tâm của đô thị. Liền kề và xung quanh trung tâm là khu vực cư trú của công chức, những người giàu có thường là biệt thự… trước đây khu vực này được coi là “bộ mặt” của đô thị.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, việc đánh giá giá trị hệ thống nhà cổ, biệt thự thời Pháp, như Hà Nội đã làm, Thành phố Hồ Chí Minh đang làm, theo hệ thống tiêu chí cụ thể để phân loại bảo tồn hay không bảo tồn là cần thiết nhưng rất khó khăn. Chưa nói đến tình trạng biệt thự xuống cấp nặng, nhiều biệt thự đã chuyển đổi công năng, hình thức sở hữu.

Dù có được hay “bị” đưa vào diện bảo tồn cũng rất khó thực thi. Vì vậy, nên chăng cần trả lại công năng của các công trình này như nó vốn có và hình thức quản lý, sở hữu phù hợp. Như vậy, mới có thể bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời khai thác tốt về giá trị kinh tế.

Trao đổi tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng: Việc bảo tồn di sản văn hoá đô thị không chỉ nhằm vào một vài công trình mà cần có cái nhìn rộng hơn bao gồm bảo tồn một cảnh quan, không gian của đô thị. Có như vậy giá trị văn hoá chung của cả khu vực mới được nâng cao, từ đó nâng cao giá trị kinh tế.

Từ thực tế qua nghiên cứu, khảo sát đánh giá biệt thự 110-112 Võ Văn Tần (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), kiến trúc sư Nicolas Viste, chuyên gia nghiên cứu các dự án bảo tồn văn hoá cho biết: Giá trị to lớn của biệt thự này chính là sự độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam, khiến nó trở thành một trong những công trình lịch sử quan trọng ở Việt Nam. Hiện nay, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đang hợp tác để phát triển dự án bảo tồn, tôn tạo toàn diện công trình này dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Kiến trúc sư Nicolas Viste, tổng thể dự án tôn tạo sẽ đòi hỏi các bước thực hiện, từ tháo dỡ công trình phụ đến gia cố kết cấu, phục hồi tất cả bộ phận cấu thành và bảo quản những bức họa tinh xảo trong ngôi nhà. Dự kiến, dự án diễn ra trong 3 năm tới để có thể phục hồi hoàn toàn như thiết kế ban đầu với sự hỗ trợ của các nhà thầu quốc tế.
 
Đánh giá cao việc chủ sở hữu công trình 110 - 112 Võ Văn Tần cùng với các chuyên gia nghiên cứu về giá trị của nó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Trần Văn Khải (Khoa Kiến trúc - Đại học Văn Lang) cho rằng, việc bảo tồn công trình này góp phần khôi phục, phát huy bản sắc đô thị cổ của vùng Quận 3 và khu vực xung quanh. Do đó, để giữ được giá trị văn hoá cao của công trình này cần sớm trùng tu gắn với sự gìn giữ phong cách nguyên gốc tối đa. Chủ sở hữu di tích cần áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và trùng tu phù hợp quy định của pháp luật.

Dưới góc độ ứng xử với công trình có giá trị lịch sử cần bảo tồn, Tiến sỹ Nguyễn Lưu Bảo Đoan (Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc bảo tồn tất cả hay không bảo tồn công trình nào đều không phải là lựa chọn tốt.

Có những công trình cũ cần đập bỏ và ngược lại có công trình ít cũ hơn nhưng cần được bảo tồn. Khi công trình được xem là cần bảo tồn mặc dù có thể những giá trị lịch sử, văn hoá nhất định không phải là hàng hóa công và với tư cách hàng hoá tư, việc bảo tồn hay không bảo tồn nên để chủ sở hữu quyết định.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Lưu Bảo Đoan, trong việc đánh giá, ban hành chính sách đối với những công trình di sản cần bảo tồn và xem là hàng hoá công, cần thiết có sự tham gia của người dân. Thậm chí, công chúng nên có quyền bỏ phiếu lựa chọn những phương án bảo tồn sau khi họ được cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch.
 
Việc bảo tồn biệt thự ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu cho rằng, có lẽ bắt đầu từ các biệt thự đang được sử dụng làm công sở, vai trò của chính quyền không chỉ là quản lý mà còn thực hiện công tác bảo tồn di sản đô thị ngay từ công sản nhà nước đang sử dụng.
 
Từ thực tế trên, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu cho rằng, nên chăng bán đấu giá những công trình biệt thự có giá trị “di sản đô thị” đang sử dụng làm công sở không phù hợp, lấy tiền cho công quỹ, đưa công trình sang sở hữu tư nhân, khả năng về “vốn” cho trùng tu bảo tồn có thể đáp ứng.

Tuy nhiên phải kèm theo điều kiện người mua công trình chỉ có thể trùng tu, bảo tồn và bảo vệ di sản, không được phá hủy. Đi cùng với việc này là sự hoàn thiện luật lệ liên quan, sự liên kết đồng bộ của cơ quan chức năng quản lý hành chính và chuyên môn, sự đồng thuận giữa chủ sở hữu, nhà đầu tư với nhà quản lý về mục đích trùng tu, bảo tồn, sử dụng công trình./.  
Anh Tuấn
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm