Ban trắng ở Xứ Trời

Ban trắng ở Xứ Trời
Lễ hội Hoa Ban năm 2016 được tổ chức từ ngày 13-15/3 tại thành phố Điện Biên Phủ.
Lễ hội Hoa Ban năm 2016 được tổ chức từ ngày 13-15/3 tại thành phố Điện Biên Phủ. 

Đặc sắc Điện Biên

Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết Lễ hội Hoa ban được tỉnh Điện Biên tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với mục tiêu lễ hội sẽ được tổ chức thường niên để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Năm nay, Lễ hội Hoa ban và Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ-Pá Khoang sẽ được tổ chức từ ngày 13-15/3 tại thành phố Điện Biên Phủ. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản, công tác chuẩn bị đã được tỉnh hoàn tất.

Việc phục dựng "Lễ hội Hoa ban Điện Biên" đánh dấu việc phục hồi vốn văn hóa truyền thống đã mai một qua nhiều năm. Trong khuôn khổ lễ hội, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trên nền tảng là những giá trị di sản văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em, mang màu sắc dấu ấn riêng của mảnh đất và con người Điện Biên như: Triển lãm lễ hội truyền thống; diễu hành văn hóa đường phố; chương trình nghệ thuật mang màu sắc Điện Biên-Tây Bắc; giới thiệu và thi ẩm thực trong đó nhấn mạnh yếu tố ẩm thực truyền thống…

Đối với người Thái đen (sống tập trung ở cánh đồng Mường Thanh – tiếng Thái có nghĩa là Xứ Trời), Lễ hội Hoa ban có ý nghĩa đặc biệt. Đây là loài hoa mang tính biểu trưng, không chỉ có ý nghĩa trong đời sống tinh thần mà còn gắn bó mật thiết trong sinh hoạt cộng đồng người Thái đen.

Hoa ban từ lâu đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Thái và núi rừng Điện Biên.
Hoa ban từ lâu đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Thái và núi rừng Điện Biên. 

Từ xa xưa, hoa ban đã là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật và đi vào truyền thuyết, thơ ca, nhạc họa, được tôn vinh như biểu tượng về vẻ đẹp người con gái dân tộc Thái; được coi như một tín vật hẹn ước của những đôi lứa yêu nhau. 

Hoa ban gắn bó cả trong sinh hoạt và sản xuất. Hoa tạo vẻ đẹp cho cảnh quan thiên nhiên, núi rừng, bản mường, ruộng nương của đồng bào Thái đen. Hoa ban cũng gắn với mùa xuân - là mùa vụ mới, từ đó tạo cảm hứng, niềm tin của con người vào sức sống và hy vọng vào một năm bội thu, no đủ. Trong cuộc sống thường ngày, hoa ban còn là nguyên liệu chế biến nên nhiều món ăn dân dã… Đối với cộng đồng người Thái đen, hoa ban từ lâu đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Thái và núi rừng Điện Biên.

Đến với Điện Biên trong những ngày này, du khách không chỉ được đắm mình trong sắc trắng hoa ban trải khắp các sườn đồi đến từng con ngõ nhỏ của thành phố lịch sử Điện Biên Phủ mà còn được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của người Thái đen cùng cộng đồng 19 dân tộc thiểu số ở Xứ Trời. Được sống lại những khoảnh khắc hào hùng của người lính Cụ Hồ trong trận thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu với những địa danh nổi tiếng đã được xếp hạng di tích đặc biệt như: Sở chỉ huy Mường Phăng; đồi A1, C1, D1; cứ điểm Him Lam; sân bay, cầu Mường Thanh; hầm chỉ huy của bại tướng De Castries…

Du khách đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1.
Du khách đến thăm Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1.

Đánh thức tiềm năng

Ông Lê Văn Quý khẳng định, Lễ hội Hoa ban là sự kiện quan trọng của tỉnh, có ý nghĩa tích cực đối với phát triển KTXH, bảo tồn và phát triển văn hóa địa phương. Thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, giao lưu các môn thể thao truyền thống, Điện Biên giới thiệu nét đẹp tinh hoa văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc đến với công chúng.

Lễ hội trở thành dịp để người dân Điện Biên và bạn bè, du khách tìm hiểu về văn hóa truyền thống, khơi dậy tình cảm đối với vốn di sản quý báu của các dân tộc, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đồng thời, lễ hội đã cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Bên cạnh đó, Lễ hội Hoa ban cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư phát triển KTXH đến du khách trong nước và quốc tế; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Điện Biên và các tỉnh bạn; thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc mở rộng, đồng thời tăng cường mở rộng hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực Tây Bắc với các khu vực, địa phương trong cả nước và các quốc gia trên thế giới. Qua đó mở rộng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Điện Biên, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển KTXH chung của tỉnh.

Ông Lê Văn Quý cho biết thêm, để hỗ trợ, thúc đẩy du lịch Điện Biên phát triển, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ-Pá Khoang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở pháp lý, là định hướng quan trọng để tỉnh Điện Biên tổ chức thực hiện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế các tài nguyên du lịch của tỉnh.

Diễn viên tập luyện hát múa “Vòng xòe đón bạn” chuẩn bị cho Lễ hội Hoa ban.
Diễn viên tập luyện hát múa “Vòng xòe đón bạn” chuẩn bị cho Lễ hội Hoa ban.

Để  thực hiện Quy hoạch của Chính phủ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch triển khai nhằm cụ thể hóa thành các kế hoạch theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm; nghiên cứu thành lập Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ-Pá Khoang nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác và phát huy tiềm năng, giá trị của Khu du lịch. Đồng thời, tỉnh sẽ tiến hành rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, trong đó ưu tiên nhà đầu tư chiến lược đầu tư thực hiện các dự án phát triển khu du lịch; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư trên cơ sở danh mục các dự án ưu tiên; bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường cho khu du lịch; lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác...



 
Baochinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm