Xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành cá cảnh

Xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành cá cảnh
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, cá cảnh là một trong những sản phẩm chủ lực của thành phố, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với hơn 70 loài. Trong đó, chủng loại chính gồm 50 loài sinh sản và 20 loài khai thác tự nhiên thuần dưỡng làm cá cảnh như cá chép Nhật, cá bảy màu, cá dĩa, cá xiêm....
Nuôi cá Koi (cá cảnh) xuất xứ từ Nhật Bản. Ảnh: http://www.sggp.org.vn
Nuôi cá Koi (cá cảnh) xuất xứ từ Nhật Bản. Ảnh: http://www.sggp.org.vn
Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở, hộ nuôi cá cảnh tập trung tại Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, quận 8, 9, 12, Gò Vấp. Một số khu vực nuôi cá cảnh xung quanh thành phố cũng được hình thành ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh.
 
Trong những năm gần đây, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và đóng góp ngày càng quan trọng vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố. Trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của thành phố đạt trên 20 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 21,5% so với năm trước đó.
 
Hiện có khoảng hơn  20 đơn vị xuất khẩu cá cảnh qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó Công ty Cổ phần Sài Gòn cá kiểng (huyện Củ Chi) là đơn vị xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất. Sản phẩm cá cảnh của thành phố đã xuất khẩu đến gần 50 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm trên 55%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Nam Phi.
 
Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết cho sự phát triển thành ngành sản xuất lớn cá cảnh công nghiệp để cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy vậy, việc tổ chức liên kết từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, bán lẻ, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu vẫn còn khá hạn chế. Nếu không liên kết theo chuỗi thì ngành cá cảnh khó có thể phát huy mọi tiềm lực phát triển.
 
Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cá cảnh trên địa bàn thành phố chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các Hội, Chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế. Số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã cá cảnh còn ít và hoạt động chưa hiệu quả. Hiện chỉ có 1 hợp tác xã cá cảnh ở huyện Củ Chi được đánh giá hoạt động có hiệu quả.
 
Theo ông Tống Hữu Châu - chủ trang trại Cá cảnh Châu Tống (quận 12), nghề này hiện thu hút khá đông các hộ nuôi, cơ sở tham gia, tuy nhiên khâu sản xuất và phân phối, thị trường hiện chưa có sự kết nối với nhau mà chủ yếu phải qua thương lái.
 
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là quy mô sản xuất của ngành cá cảnh phần lớn ở dạng nhỏ, lẻ. Việc mở rộng phát triển trang trại phù hợp với quy hoạch đất đai nhất là ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện cải thiện đàn giống, lai tạo nhiều giống mới đáp ứng nhu cầu thị trường còn chưa được quan tâm đúng mức trong quy trình sản xuất hiện nay.
 
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để có thể liên kết các cơ sở, hộ nuôi cá cảnh với doanh nghiệp và điểm kinh doanh, Thành phố Hồ Chí Minh cần tạo điều kiện hình thành chợ sinh vật cảnh nơi, nơi trưng bày và bán các sản phẩm liên quan đến cá cảnh, thủy sinh, thú cưng, hoa kiểng...

Đây sẽ là nơi người nuôi liên quan đến sinh vật cảnh, trong đó có cá cảnh có thể mang hàng đến để bán, tiếp thị, tư vấn... Đồng thời, trở thành điểm tham quan, du lịch như cách làm của Thái Lan và Malaysia hiện nay. Ngoài ra, tạo điều kiện để việc nhập khẩu con giống được dễ dàng hơn, giúp đa dạng và làm mới sản phẩm theo nhu cầu luôn thay đổi của người tiêu dùng.
 
Nhằm đẩy mạnh phát triển cá cảnh trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như hỗ trợ xây dựng và phát triển các cơ sở vệ tinh nâng cao sản lượng sản xuất cá cảnh để cung cấp trực tiếp cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, tổ chức liên kết, ký kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa các doanh nghiệp và hộ nông dân, trang trại; cũng như vận động chuyển đổi các trang trại có quy mô lớn thành doanh nghiệp để có điều kiện phát triển hơn…/. 
H.Chung
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm