Tri ân những cống hiến, hy sinh của Thanh niên xung phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tri ân những cống hiến, hy sinh của Thanh niên xung phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Những bài hát viết về thanh niên xung phong như: "Hành khúc lên đường", "Em ở nông trường em ra biên giới", "Cô gái thông đường trên biên giới Tây Nam", "Những bông hoa trên tuyến lửa", "Vòng tay đồng đội", "Thanh niên xung phong", "Một thời đẹp nhất"… đã khiến nhiều cán bộ, đội viên thanh niên xung phong từng tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam xúc động nhớ về thời kỳ chiến đấu gian khổ mà anh dũng.
Giao lưu với bà Nguyễn Thị Tuyết, một trong những đội viên thanh niên xung phong sống sót trong đợt phục kích của địch vào rạng sáng ngày 22/7/1978 khiến 24 thanh niên xung phong hy sinh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Giao lưu với bà Nguyễn Thị Tuyết, một trong những đội viên thanh niên xung phong sống sót trong đợt phục kích của địch vào rạng sáng ngày 22/7/1978 khiến 24 thanh niên xung phong hy sinh. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Năm 1978, Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu ở khu vực biên giới với tên gọi tắt là Tổng đội 3 biên giới, trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố.

Tổng đội 3 có hơn 5.000 đội viên được chia thành 14 liên đội, từ Liên đội 301 đến Liên đội 314, thực hiện nhiệm vụ phối hợp với lực lượng các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 4, các đơn vị chủ lực của Quân khu 7, tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam.
 
Bà Thái Thị Hạnh, nguyên Phó Tổng đội trưởng Tổng đội 3 biên giới cho biết: Trong quá trình tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam của Tổng đội 3 biên giới, 99 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã hy sinh và gần 200 cán bộ, đội viên bị thương. 
Giao lưu với những thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Giao lưu với những thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Là một trong những đội viên thanh niên xung phong sống sót trong đợt phục kích của địch vào rạng sáng 22/7/1978, bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: Tháng 6 năm 1978, bà làm công tác văn công tại Liên đội 303 tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam.

Trước ngày 22/7/1978, bà lên đường đi tập văn nghệ tại một địa điểm cách chỗ đơn vị đóng quân khoảng 6 km và hay tin đơn vị bị địch phục kích. Quân địch đã tra tấn và giết hại 24 đội viên thanh niên xung phong. Mỗi khi nhớ đến sự kiện này, bà luôn cảm thấy vô cùng đau  đớn nhưng rất tự hào về những đồng đội đã cống hiến tuổi trẻ, hy sinh thân mình cho quê hương, đất nước.
Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Em ở nông trường em ra biên giới”. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN
Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Em ở nông trường em ra biên giới”. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Ông Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nhằm tri ân những cống hiến, hy sinh của cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, lực lượng Thanh niên xung phong thành phố thường xuyên tổ chức chương trình Nghĩa tình đồng đội, quy tập mộ phần của liệt sỹ Thanh niên xung phong về Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố, hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, hỗ trợ vốn làm ăn, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho thương binh thanh niên xung phong.../.
 Nguyễn Xuân Dự
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm