Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga:

Tiên phong đưa khoa học vào cuộc sống

Tiên phong đưa khoa học vào cuộc sống
Những công trình hữu ích
Thành quả đầy tự hào mà đến nay toàn thể cán bộ và nhân viên Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga Chi nhánh phía Nam thường xuyên nhắc đến là sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu điều trị oxy cao áp, một phương pháp điều trị bệnh khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã quen thuộc ở các nước phát triển trên thế giới như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức...

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu điều trị oxy cao áp, cho biết: Thành lập từ năm 1994, Trung tâm là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp oxy cao áp để điều trị bệnh. Đến nay, Trung tâm đã điều trị cho khoảng 200.000 lượt bệnh nhân mắc các loại bệnh, trong đó có các bệnh nhân mắc bệnh nan y khó chữa như: ngộ độc oxit cacbon, giảm áp, loét do tiểu đường, biến chứng do xạ trị ở bệnh nhân ung thư…
Điều trị bệnh bằng phương pháp oxy cao áp. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Điều trị bệnh bằng phương pháp oxy cao áp. Ảnh: Đinh Hằng - TTXVN
Theo Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Phương Nam, điều trị bệnh theo phương pháp oxy cao áp là phương pháp sử dụng oxy tinh khiết ở áp suất cao để điều trị, điều dưỡng cho bệnh nhân.

Phương pháp này vừa có tác dụng điều trị, vừa có tác dụng điều dưỡng, phù hợp với nhiều đối tượng, ngay cả với trẻ em hoặc người già yếu và hầu như không có tác dụng phụ nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật điều trị oxy cao áp.

Trong phương pháp oxy cao áp, bệnh nhân được hô hấp bằng oxy tinh khiết ở áp suất cao, do độ tan của một chất khí trong chất lỏng tăng theo áp suất, lượng khí oxy tan vào trong các môi trường lỏng trong cơ thể tăng lên, làm tăng nhanh hàm lượng oxy trong các tế bào thiếu oxy.
 
Phương pháp điều trị này giúp bệnh nhân mắc các các bệnh như ngộ độc oxit cacbon, giảm áp, vết thương lâu liền, biến chứng do xạ trị ở bệnh nhân ung thư... giải quyết được cơ chế bệnh sinh, đạt hiệu quả điều trị cao.

Các bệnh thiếu máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não, tai biến mạch máu não, viêm tắc động mạch chi, tắc động mạch trung tâm võng mạc, điếc đột ngột, rắn cắn, sốt xuất huyết, bại não, tự kỷ… cũng có thể sử dụng phương pháp oxy cao áp để phối hợp điều trị. Ngoài ra, oxy cao áp có thể giúp những người mắc bệnh mãn tính, làm việc trí óc căng thẳng, lao động thể lực nặng… phục hồi sức khỏe nhanh.
 
Nhận thấy hiệu quả điều trị cao từ phương pháp oxy cao áp, trong những năm qua, Trung tâm nghiên cứu điều trị oxy cao áp của Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga Chi nhánh phía Nam đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị oxy cao áp cho nhiều bệnh viện tại khu vực phía Nam như Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương….
 
Một công trình nghiên cứu khác của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga được ứng dụng mang ý nghĩa thiết thực là công trình nghiên cứu trồng rau xanh trên đảo Trường Sa. Thạc sỹ Nguyễn Văn Thành Nam, Phó Trưởng Phòng Phân tích môi trường, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga, người phụ trách công trình nghiên cứu nhớ lại: Năm 2005, trong một lần công tác ở Trường Sa, nhận thấy các chiến sỹ ở đây thường xuyên thiếu rau xanh, nhất là những tháng cuối năm, các cán bộ của Trung tâm đã bắt tay nghiên cứu kỹ thuật trồng rau trong nhà lưới, nhà kính nhằm hạn chế tình trạng mưa bão, hơi muối bốc lên từ biển. Để giải quyết vấn đề thiếu nước tưới, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp canh tác tiết kiệm nước tối đa bằng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, dùng khay trồng có tầng giữ ẩm nhân tạo...
 
“Thành quả đạt được nhiều hơn sự mong đợi của chúng tôi, các loại rau phát triển rất tốt, có chất lượng hơn hẳn so với trồng ở bên ngoài. Quan trọng hơn là chúng tôi khẳng định được rằng ở Trường Sa cũng có thể trồng được rau”, Thạc sỹ Nguyễn Văn Thành Nam chia sẻ.

Từ công trình thử nghiệm thành công trên đảo Trường Sa Lớn, mô hình trồng rau xanh đã được nhân rộng trên nhiều đảo của quần đảo Trường Sa sau này, đảm bảo cung cấp đủ rau xanh cho các chiến sỹ nơi đây.
 
Ngôi nhà chung của các nhà khoa học Việt - Nga
Ra đời từ năm 1988 do Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga với chức năng nghiên cứu khoa học theo ba hướng chính là: độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới và y sinh nhiệt đới.
Xử lý mẫu nghiên cứu tại tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: TTXVN
Xử lý mẫu nghiên cứu tại tỉnh Đăk Lăk. Ảnh: TTXVN
Trong 30 năm qua, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế. Nhiều công trình đã được ứng dụng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng như bảo quản lâu dài vũ khí, khí tài quân sự trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, công nghệ điện hóa bảo vệ vỏ thép tàu thuyền và công trình biển, công nghệ chống ăn mòn, lão hóa và phá hủy sinh học…

Trong lĩnh vực y sinh, Trung tâm đã chú trọng nghiên cứu hậu quả của chất độc dioxin (chất da cam) gây ra đối với con người và môi trường mà đế quốc Mỹ rải xuống trong chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra, với phát hiện khu vực Tây Nguyên không có ổ dịch hạch thiên nhiên hoang dã mà chỉ tồn tại ổ dịch thứ phát vùng dân cư hay còn gọi là “ổ dịch gần người”, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã góp phần thay đổi chiến lược phòng chống bệnh dịch hạch tại Việt Nam….
 
Để có được những thành quả to lớn đó, ngoài nỗ lực của cán bộ, nhân viên Trung tâm, Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khuê, Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga Chi nhánh phía Nam cho biết, Trung tâm đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các chuyên gia Nga. Mỗi năm thường có khoảng từ 100-130 chuyên gia Nga sang Việt Nam để cùng nghiên cứu và thực hiện các dự án. Như vậy, trong 30 năm qua, hàng ngàn lượt các nhà khoa học Nga đã sang Việt Nam để nghiên cứu và hỗ trợ thực hiện dự án. Đồng thời, Chính phủ Nga đã hỗ trợ rất lớn trong việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ, các nhà khoa học Việt Nam.
 
Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khuê bộc bạch: “Có những nhà khoa học đã gắn bó với Trung tâm từ thời Liên Xô cũ đến nay. Họ là những người được đào tạo bài bản nên hỗ trợ rất nhiều cho cán bộ chúng tôi trong các dự án và chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều kiến thức, cách làm việc từ các nhà khoa học Nga”.

Được biết, trong số các nhà khoa học Nga đến Việt Nam nghiên cứu và thực hiện các dự án tại Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga đã có những người lập gia đình, định cư và coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình. Điều này không chỉ thể hiện rõ mối quan hệ hữu nghị giữa hai Nhà nước mà còn là minh chứng cho sự đồng điệu trong tâm hồn, trong tình cảm của người dân hai nước Việt – Nga./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm