Thực phẩm Việt cần cạnh tranh bằng tiêu chuẩn và thương hiệu

Thực phẩm Việt cần cạnh tranh bằng tiêu chuẩn và thương hiệu
Theo các chuyên gia, hiện nay tại nhiều địa phương vẫn còn thói quen tự cung – tự cấp, chủ yếu sản xuất cung ứng cho thị trường địa phương nên cả số lượng và chất lượng vẫn hạn chế. Đồng thời, người sản xuất chưa mạnh dạn đầu tư tiêu chuẩn chất lượng để tìm đầu ra tốt hơn cho sản phẩm nông sản, đặc sản, thực phẩm, rau củ, quả....
Các chuyên gia chia sẻ giải pháp nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Các chuyên gia chia sẻ giải pháp nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN
Chính vì vậy, làm sao thay đổi hành vi của đơn vị sản xuất và người tiêu dùng, tránh tình trạng hàng hóa đạt chuẩn và được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, sau đó các đơn vị sản xuất không nâng cao nhận thức phải duy trì tiêu chuẩn hoặc chất lượng sản phẩm không ổn định, dẫn đến đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
 
Để làm thương hiệu cho ngành thực phẩm, nhất là nông – đặc sản, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình cho hay, dù hướng đến thị trường nội địa hay xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải chú trọng nắm bắt thông tin thị trường và thực hiện hoạt động sản xuất hướng đến những tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Đặc biệt, quy trình mua hàng, thương nhân và nhà bán lẻ thường đến đơn vị sản xuất rất nhiều lần, nên người sản xuất cần lựa chọn quy trình quản trị sản xuất, cập nhật và thống kê chi tiết quá trình sản xuất từ đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra.
 
Mặt khác, không ít người cho rằng, tiêu chuẩn VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) không có giá trị, nhưng trên thực tế cho thấy, VietGAP chỉ thua tiêu chuẩn GlobalGAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) ở tính cộng đồng, vấn đề lao động…

Cụ thể, GlobalGAP đòi hỏi phải lo nơi ăn, ở của công nhân, sinh hoạt, đi học… còn VietGAP cũng rất đầy đủ và phù hợp với chuẩn Việt Nam. Do đó, về chuẩn hội nhập cho hàng hóa xuất khẩu, tùy theo yêu cầu của từng thị trường mà doanh nghiệp tổ chức và triển khai sản xuất cho ra sản phẩm phù hợp.
 
Hiện nay, các nhà bán lẻ vào thị trường Việt Nam có xu hướng phát triển và gia tăng hoạt động thu mua, cũng như có nhiều hoạt động đa dạng về hợp tác với đơn vị sản xuất, nông dân… đã khơi gợi những chuyển biến trong thị trường bán lẻ.

Bên cạnh đó, đa số các trường hợp giới thiệu sản phẩm mới thành công đều dựa trên nền tảng của sự nỗ lực trong xây dựng thương hiệu, kênh phân phối nhất quán hơn so với các trường hợp còn lại.
 
Đánh giá về tổng quan thị trường, bà Châu Ngọc Hạnh, Quản lý cao cấp Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, người tiêu dùng Việt có ý thức về sức khỏe và chủ động để đảm bảo sức khỏe. Trong đó, kết quả nghiên cứu của Nielsen cho thấy có 37% người tham gia khảo sát xem sức khỏe là mối quan tâm và xếp thứ hai trong các mối quan tâm hàng đầu.
 
Ngoài ra, có 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ; 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng… Trong bối cảnh này, các nhà sản xuất đang thể hiện sự nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh sản phẩm tốt cho sức khỏe.
 
Tuy nhiên, theo bà Châu Ngọc Hạnh, sự tin tưởng của người tiêu dùng là vấn đề thiết yếu cần được giải quyết. Đơn cử, phân khúc cao cấp đang trở nên quan trọng trong các nhóm ngành hàng, nhưng các đơn vị sản xuất cần hiểu cao cấp hóa không đồng nghĩa với các cơ hội tăng giá thành sản phẩm hay hàng hóa.
 
Thống kê, tại Việt Nam ngày càng nhiều hộ gia đình nhỏ, nhưng có thu nhập tăng cao và tập trung sống ở thành thị. Vì vậy, các đơn vị sản xuất có thể tận dụng khai thác chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị dựa trên cơ sở tăng dần nhu cầu cho sự tiện lợi.

Dự báo trong thời gian tới, các mặt hàng nông sản, đặc sản, thực phẩm, rau củ, quả… phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày có nhiều cơ hội xây dựng thương hiệu và nâng sức cạnh tranh nếu đạt và duy trì ổn định chất lượng hàng hóa.
 
Còn liên quan đến vấn đề kiểm tra, giám sát vấn đề an toàn thực phẩm, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đã và đang tập trung tăng cường kiểm soát hàng hóa nông sản, thực phẩm, rau củ, quả… vào mạng lưới chợ truyền thống, nhất là ba chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với các giải pháp quản lý, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có những chính sách khuyến khích, ưu tiên đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và Giấy phép an toàn thực phẩm cung ứng hàng hóa vào các hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn…
 
Từ đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng, ngày càng nhiều doanh nghiệp nỗ lực nâng sức cạnh tranh cho thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nhận thức Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm chỉ là bước đầu xây dựng niềm tin, còn vấn đề hiện nay người tiêu dùng ngày càng quan tâm là duy trì và đảm bảo chứng nhận tiêu chuẩn đã đạt được của thương hiệu hàng hóa”, bà Phạm Khánh Phong Lan, nhấn mạnh./.
  Mỹ Phương
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm