Đông Nam bộ và hành trình 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài:

Thỏi nam châm thu hút FDI, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Bài 1

Thỏi nam châm thu hút FDI, liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Bài 1
Bài 1: Những “thỏi nam châm” thu hút FDI
Chuyện của những “ông lớn”
Sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay khu vực FDI đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động nhất và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam nói chung, các tỉnh nằm trong khu vực Đông Nam bộ nói riêng.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN
 Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

Với những điều kiện về vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tài nguyên quý giá, hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển, đồng bộ, có nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước cũng như cửa ngõ giao thương quốc tế, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu là địa điểm lựa chọn ưa thích, hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều dự án có số lên đến hàng tỷ USD đã được “rót” vào đây. Qua đó, góp phần đưa các địa phương này luôn nằm trong tốp 5, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thu hút vốn FDI.
 
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 31/12/2017, Bình Dương đã thu hút tổng cộng 3.299 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 30 tỷ 104 triệu USD, quy mô vốn trung bình khoảng 9,1 triệu USD/dự án, đứng thứ hai cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
 
Trong đó, đầu tư vào các khu công nghiệp là 1.989 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 19 tỷ 871 triệu USD, chiếm 66% số vốn FDI của cả tỉnh. Vốn FDI chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu vốn đầu tư xã hội.
 
Giai đoạn từ năm 2011 – 2016, vốn FDI chiếm từ 47% đến 50% cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn, chứng tỏ nguồn vốn này đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại tỉnh Bình Dương.
 
Trong khi đó, tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã thu hút được hơn 1.300 dự án với vốn đăng ký khoảng 27,5 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp FDI chọn Đồng Nai là nơi đầu tiên đặt trụ sở nhà máy, sau một thời gian tiếp tục mở rông đầu tư ra các tỉnh, thành khác và số vốn tăng gấp 2-5 lần. Các dự án đầu tư FDI tại Đồng Nai của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, dẫn đầu là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.
 
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, các dự án FDI cấp mới có ngành nghề đa dạng, phù hợp định hướng thu hút vào các khu công nghiệp của Đồng Nai, phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh đã đặt ra từ năm 2006. Đó là thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, có vốn đầu tư lớn.
 
Sau 30 năm thu hút đầu tư, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 343 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 27,3 tỷ USD; trong đó, khu công nghiệp có 185 dự án với tổng vốn đăng ký 10,953 tỷ USD và ngoài khu công nghiệp có 158 dự án với tổng vốn đăng ký 16,347 tỷ USD.
 
Trong đó, theo vốn đăng ký, thì Hoa Kỳ là đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh, đạt 4,5 tỷ USD; Canada đứng thứ nhì, đạt hơn 4,2 tỷ USD, tiếp đó là Thái Lan (3,8 tỷ USD)…
 
Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn về công nghiệp, cảng biển, du lịch, dịch vụ, thương mại… góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước và tạo thêm việc làm.
  
Tương tự, tính lũy kế tháng 8/2018, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút 8.110 dự án với tổng vốn đầu tư là 47 tỷ USD, bình quân mỗi năm tăng 12,3% về số dự án và tăng 46,12% về vốn đầu tư. Với con số trên, Thành phố Hồ Chí Minh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI.
 
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các năm gần đây, hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước bắt đầu tăng vọt, dần dần chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư (năm 2015 chiếm 5,4%; năm 2016 chiếm 48,6%, năm 2017 chiếm 49%), trở thành xu hướng mới của dòng vốn FDI.
 
Trong giai đoạn 2015 – 2017, Thành phố đã chấp thuận cho 4.682 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 5,32 tỷ USD (chiếm 35,1% tổng vốn đầu tư giai đoạn 2015 - 2017).
 
Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), luỹ kế đến tháng 8/2018, trong 63 tỉnh, thành phố được đầu tư thì Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 7.847 dự án, tổng số vốn đăng ký là hơn 45,3 tỷ USD; Thành phố Hà Nội đứng thứ 2 với 4.892 dự án, tổng số vốn đăng ký 39,2 tỷ USD. Bình Dương đứng thứ 3 với 3.426 dự án, tổng số vốn đăng ký 30,7 tỷ USD, tiếp đó là Đồng Nai (27,5 tỷ USD), Bà Rịa – Vũng Tàu (27,3 tỷ USD)…
 
Qua đó cho thấy, trong tốp 5 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI đã có 4 địa phương nằm trong vùng Đông Nam bộ là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Phát triển nguồn vốn
Với những kết quả về thu hút và giải ngân đầu tư nước ngoài trong những năm qua, đầu tư nước ngoài thật sự là một nguồn vốn quan trọng đối với các địa phương, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn, đặc biệt là tăng trưởng ngành công nghiệp.
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN
 
Đây cũng là động lực chính đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, với tỷ trọng công nghiệp rất cao trong GRDP tại các địa phương trong vùng.
 
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, đầu tư nước ngoài là tác nhân chính thúc đẩy sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp tập trung với các ngành có lợi thế như công nghiệp sử dụng nguyên, nhiên liệu, gắn liền với phát triển hệ thống cảng và các ngành chế biến nông, lâm, hải sản, tạo sự đa dạng về sản phẩm công nghiệp, trong đó xuất hiện một số sản phẩm công nghiệp mới như điện, sắt thép, phân bón, xây dựng cảng… Tất cả đã đưa Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm lớn nhất Việt Nam về khí, điện, đạm – thép.
 
Thông qua khu vực đầu tư nước ngoài, nhiều nguồn lực trong nước như lao động, đất đai, tài nguyên khoáng sản trong phạm vi địa giới của tỉnh được sử dụng mà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Hiện có khoảng 80.000 lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó nhân sự có trình độ cao chiếm 60%. Khu vực đầu tư nước ngoài cũng đóng góp rất lớn vào kết quả xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu và mở rộng thị trường xuất khẩu cho Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng.
 
Theo lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, đầu tư nước ngoài đã từng bước tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
 
Vốn FDI góp phần phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương. Với gần 82% tổng vốn FDI vào tỉnh Bình Dương thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2011 – 2016, khu vực doanh nghiệp FDI luôn đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Vốn FDI góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng, như công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, cơ khí chế tạo điện tử, tin học ô tô, xe máy…
 
Vốn FDI đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của tỉnh Bình Dương, cụ thể năm 2005, thời điểm Luật Đầu tư năm 2004 ra đời, số thu ngân sách đạt 1.927 tỷ đồng. Đến thời điểm năm 2016, sau 2 năm Luật Đầu tư năm 2014 ra đời, số thu ngân sách của các doanh nghiệp FDI tăng gấp 5,5 lần so với năm 2005, đạt giá trị 11.177 tỷ đồng.
 
Theo ông Mai Văn Nhơn, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, từ khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài đến nay, 95% doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
 
Riêng năm 2017, doanh nghiệp FDI đóng góp gần 11 tỷ USD (chiếm 63%) giá trị xuất khẩu và trên 30% nguồn thu ngân sách hàng năm của tỉnh. 
 
Qua 30 năm đổi mới, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng khẳng định vai trò góp phần cho nguồn thu ngân sách lớn và bền vững phục vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi công cộng.
 
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, năm 1992, khối doanh nghiệp FDI chỉ đóng góp hơn 15 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, chiếm 0,6% tổng thu ngân sách thì năm 2016 thu ngân sách từ khối doanh nghiệp FDI đạt 48.700 tỷ đồng, chiếm 16,3% tổng thu ngân sách thành phố. Như vậy sau 25 năm, giá trị nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI đã tăng gấp 3.246 lần. Riêng giai đoạn 2010-2016, đóng góp ngân sách ở khu vực FDI đã có tăng trưởng vượt bậc, tăng từ 17.000 tỷ lên đến 48.700 tỷ đồng.
 
Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế FDI đã có những đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Thành phố biểu hiện qua các sản phẩm công nghiệp chế biến, góp phần hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, tạo nên một nền sản xuất có trình độ cao, thu hút lượng lớn lao động thuộc nhiều đối tượng khác nhau.
 
Ở lĩnh vực dịch vụ, sự phát triển các khu đô thị, hệ thống cao ốc văn phòng - khách sạn - trung tâm thương mại, siêu thị, y tế, giáo dục,… cũng có sự tham gia của khu vực kinh tế này, đã góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân, cải thiện mỹ quan đô thị ở Thành phố, tạo chuẩn mực mới cho sự phát triển, kích thích các nhà đầu tư trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại, phát triển.
 
Theo nhận định chung của lãnh đạo các địa phương trong vùng Đông Nam bộ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI đã bổ sung đáng kể nguồn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đầu tư đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá – hiện đại hoá của các địa phương./.
 Anh Tuấn
 Bài 2: Năng động trong hút vốn FDI
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm